Địa danh Gò Công – Trao Trảo
Tác giả: Lê Ngọc Quốc
Người gửi: Lê Ngọc Quốc
Phát hành: 09/2021
Số trang: 2
Giới thiệu: Tìm hiểu những địa danh mà tiền nhân để lại, chúng ta sẽ cảm nhận được được không gian, môi trường và quá trình khai phá, chiến đấu của cha ông trên bước đường Nam tiến ở mảnh đất phương Nam này và cách thức dân gian bảo lưu những “ký ức dân gian” thông qua những địa danh hết sức gần gũi, thân thương!

Địa danh Gò Công – Trao Trảo

KỶ NIỆM 160 NĂM TRẬN BIÊN HÒA (1861-2021)

Từ ngã tư Thủ Đức quẹo vào đường Lê Văn Việt, rẽ qua đường Lã Xuân Oai, rẽ tiếp qua đường Nguyễn Xiển thì sẽ gặp 2 cầu Gò Công và Trao Trảo, bắc qua 2 con rạch cùng tên.

Địa danh này không phải là Gò Công[1] tỉnh Tiền Giang ngày nay, hay của tỉnh Định Tường năm xưa, mà nó thuộc dinh Trấn Biên- Biên Hoà xưa; nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Vùng đất có cái tên là lạ này nay lại thuộc địa bàn 2 phường Long Thạnh Mỹ và Trường Thạnh (quận 9, TP. Hồ Chí Minh).

1. Gò Công Trao Trảo trong thư tịch xưa.

Xứ Gò Công Trao Trảo (Trau Trảu) xuất hiện rất nhiều trong thư tịch xưa. Địa danh này được nhắc đến sớm nhất trong tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí năm 1806:”…Từ sông nhỏ gọi là vàm Cái Tắc Thượng đi 430 tầm[2], hai bên đều có cây liễu nước (cây bần) xanh tốt, phía sau đó là ruộng cấy lúa, đến rạch Gò Công (塸䲲瀝), rạch ở bên bờ nam rộng 15 tầm, khi nước lên sâu 2 tầm, nước xuống sâu 1 tầm, từ đó đi tiếp 560 tầm thì có một gò đất, tục gọi là giồng Gò Công, dài 1.675 tầm, bề ngang là 985 tầm, ở về phía bờ tây, bốn phía đều có dân cư nhưng thưa thớt, ruộng vườn ở đây trồng nhiều thuốc lá và dưa hấu…

190 tầm (từ cửa rạch Gò Công), hai bên bờ cây liễu nước (cây bần) mọc rậm rạp, phía sau là ruộng cấy lúa, đến rạch Trao Qua (?) (𢭂瓜瀝) rạch ở bờ nam, rộng 10 tầm, khi nước lên sâu 2 tầm, nước xuống sâu 1 tầm, từ cửa rạch này đi 458 tầm thì có một gò đất, tục gọi là giồng Trao Qua (?), dài 750 tầm, bề ngang 430 tầm, ở bờ phía tây, bốn phía đều có dân cư và ruộng vườn, họ trồng nhiều thuốc lá và dưa hấu”[3].Trong Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức chép:”Lũy Trảo Trảo (爪爪塁) cách trấn về phía đông 80 dặm[4] rưỡi. Năm Canh Tuất (1790), đầu thời Trung hưng, sửa sang việc nội trị, xây đắp thành lũy, đóng thuyền bè, phàm những chỗ trọng yếu trên đường bộ trước hết phải giữ thế hiểm, nên đắp lũy đấy này (Trảo Trảo lũy 爪爪塁 ) dài độ 3 dặm, nằm ngang trên đường cái, nay vẫn còn[5].

Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) cũng viết:”Lũy cũ Trảo Trảo (…): ở huyện Long Thành, năm Canh Tuất (1790) đầu đời Trung hung, đắp thành lũy, đóng tàu thuyền, phàm những nơi hiểm yếu trên đường bộ, tất nằm chặn trước, do đấy mới đắp lũy đất ở bờ sông này, dài chừng 3 dặm chặn ngang đường cái, nay vẫn còn[6].

Đại Nam quốc lược sử của Alfed Schreinr (1906) có ghi nhận về trận đánh diễn ra ở địa danh này:”Trận đánh thành Biên Hòa (ngày 14/12/1861)

… Đạo Colonne thứ hai có ông phó quan năm Dome-nech-Diégo quản lãnh, nó kể đặng một cơ bataillon thuộc về 3c Régiment binh bộ thuộc thủy, một trăm lính Espagnol, một đội quân kị với hai khẩu đại bác 4 lòng nứa; “đoàn binh này phải đến tại Hon-loc mà thế cho đạo thứ nhứt khi nó cất qua Gò-Công. Vậy đạo thứ hai đó ở phía hậu đạo tiền, nên có lẽ nó phải đóng tại một nơi nào lối giữa từ bến đò Thủ-Đức mà lên Tân-Phú (Hon-loc) đặng nghỉ cho qua đêm ấy”[7].

2 địa danh của chúng ta trong 1 bản đồ quân sự trận đánh thành Biên Hòa tháng 12/1861 (Ảnh: Internet)
Trận chiến ở lũy Trao Trảo tháng 12/1861[8]

2. Gò Công Trao Trảo trong địa danh hành chính.

Theo Gia Định thành thông chí thì tổng Long Vĩnh (mới đặt), huyện Long Thành, trấn Biên Hòa, phủ Phước Long, gồm 34 xã, thôn, phường, ấp… nam giáp sông Trảo Trảo (爪爪 江). Tổng An Thủy có 2 thôn Long Thạnh Tây, Long Thạnh Đông là xứ Gò Công Trao Trảo[9].

Địa bạ Minh Mạng năm 1836 cho biết: tổng Long Vĩnh Hạ (huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa), gồm 9 thôn, 1 phường, 1 ấp. Trong đó có 2 thôn: Long Thạnh Tây thôn, xứ Trao Trảo; Long Thạnh Đông thôn, xứ Gò Công[10].

Trong Monographie de la province de Gia Định (1902), 2 thôn của xứ Gò Công Trao Trảo đã đổi tên:

  • Long Thạnh Tây (xứ Trao Trảo) đổi thành Ích Thạnh, và
  • Long Thạnh Đông (xứ Gò Công) đổi thành Chí Thạnh; riêng ngôi chợ ở Chí Thạnh vẫn còn giữ tên xưa là chợ Trao Trảo (㧯-捞)[11].

3. Gò Công Trao Trảo hay Gò Công Trau Trảu?

Qua những tài liệu trên, xét về quá trình Nam tiến của cha ông ta, thì vùng đất này đã có lưu dân thâm nhập, định cư trước thế kỷ 19 rất lâu.Vùng Mô Xoài, Bà Rịa từ đầu thế kỷ 17 đã xuất hiện lưu dân từ miền ngoài vào. Họ là những cố nông đi tìm đất mới, tội đồ bỏ trốn, người thích phiêu lưu, mạo hiểm và cả những giáo dân bị bức đạo, bỏ chạy vào đây, nơi còn hoang vắng để giữ lấy đức tin… Ban đầu họ tạm cư ở vùng Mô Xoài Bà Rịa, nhiều người tìm đến nhập cư, họ lấn dần lên hướng tây bắc, men dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai.

Khu vực Long Thành, Bến Gỗ – An Hòa, theo các nhà nghiên cứu cũng là một trong những vùng định cư sớm nhất của lưu dân Việt. Khi ổn định, họ vượt sông Đồng Nai, khai phá vùng hữu ngạn, lập nên xứ Gò Công Trao Trảo. Đến khi triều đình cho lập địa bạ, vùng đất này (lúc ấy thuộc Trấn Biên), vì đa số là dân ngụ chính bên vùng Long Thành, nên cho thuộc vào tổng Long Vĩnh cùng huyện, đã có từ trước bên tả ngạn sông Đồng Nai.

Vùng đất này có thể ban đầu chỉ có thôn Long Thạnh, về sau khi dân số phát triển, thôn Long Thạnh được tách ra làm 2 thôn: Long Thạnh Đông thuộc xứ Gò Công, và Long Thạnh Tây là xứ Trao Trảo. Qua đây chúng ta thấy được quá trình hình thành thôn ấp ở Nam Bộ, và cách đặt tên các đơn vị hành chính thời ấy, không theo phương hướng mà theo thứ tự trước sau: Đông rồi mới đến Tây. Xứ Gò Công được khai phá trước nên mặc dù nằm ở hướng bắc của xứ Trao Trảo, và bên phải vùng Long Thành nhìn qua, được đặt là Long Thạnh Đông, và xứ Trao Trảo lập sau, nằm ở hướng nam xứ Gò Công, lại mang tên Long Thạnh Tây.

Theo miêu tả của sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí về xứ này trước năm 1806, ngoài ruộng lúa, thì thuốc lá và dưa là cây nông sản chính; nhưng đến năm 1836, nơi đây đã chuyển đổi sang mía và dâu cùng ruộng lúa.

Đến thời Thiệu Trị, Tự Đức, xứ Gò Công Trao Trảo được triều đình lập thành 2 đồn điền: Long Thạnh Đông (Gò Công) chuyển thành đồn điền Chí Thạnh và Long Thạnh Tây (Trao Trảo) thành đồn điền Ích Thạnh[12].

Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, thì cơ cấu đồn điền của triều đình tan rã, xứ này vẫn giữ nguyên tên của những đồn điền năm xưa: Chí Thạnh, Ích Thạnh. Một thời gian sau chính quyền Pháp thành lập hạt thanh tra Long Thành gồm 4 tổng, bao gồm cả tổng Long Vĩnh Hạ. Ngày 27/7/1867, giải thể hạt thanh tra này, nhập 3 tổng bên tả ngạn sông Đồng Nai vào hạt thanh tra Biên Hòa; riêng tổng Long Vĩnh Hạ, nằm bên hữu ngạn sông, được sáp nhập vào hạt thanh tra Gia Định[13].

Long Vĩnh Hạ trong bản đồ Environs de Saïgon – Bản đồ vùng phụ cận SÀI GÒN năm 1911.

4. Lý giải về địa danh Gò Công Trao Trảo.

Lưu dân xưa kia khi đến khai phá, lập xứ mới thì một trong những việc quan trong ban đầu là đặt tên cho cuộc đất ấy. Theo nghiên cứu của Lê Trung Hoa về cách đặt địa danh, và dựa theo ghi chép của thư tịch xưa, chúng ta có thể đoán vùng đất Gò Công Trao Trảo này xưa kia, khi lưu dân đến khai phá có rất nhiều chim công và chim trảo trảo (người phương Tây gọi là chim ăn ong).

1/ Gò Công (塸䲲) tức vùng gò, giồng chim công.

2/ Trao Trảo (爪爪), nghĩa là móng vuốt, nanh vuốt của lũy Trảo Trảo được chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào đầu đời trung hưng (1790). Theo nghĩa nôm “爪爪” là Trảu Trảu, tên một loài chim ngày nay có nơi được gọi là hoành hoạch, Họ Trảu (danh pháp khoa học: Meropidae) là một hô chim thuộc bộ Sả.

Ở Nam Bộ thì âm “au” có khi cũng đọc thành âm “ao”(tau = tao); cây cau đọc thành cây cao, đàng sau đọc thành đàng sao… Cho nên Trảu Trảu -> Trảo Trảo, và sau nhiều năm, âm tiết thứ nhất bị nhược hóa, nên biến thành Trao Trảo, tương tự nhỏ nhỏ, đỏ đỏ, biến thành nho nhỏ, đo đỏ (theo Pgs.Ts Lê Trung Hoa- Từ điển từ nguyện địa danh Việt Nam.

Ta thấy có nhiều trường hợp như vậy: tím tím, sẻ sẻ…thành tim tím, se sẻ… Xem các ghi chú trên các bản đồ xưa về vùng đất này ta thấy ghi nhận 2 địa danh: “Go– Cong” và “Trau– Trau”[14].

Bản đồ vùng Gò Công Trau Trảu.
Trích trong bản đồ 1925 Environs de Saïgon – Bản đồ vùng phụ cận SÀI GÒN năm 1925. Tỷ lệ 1/50.000

Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa, địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó, phần lớn địa danh mang dấu ấn của thiên nhiên, thời đại mà nó ra đời. Qua địa danh, ta có thể biết một vùng đất, một quốc gia về các mặt địa lý, xã hội, các công trình xây đựng, lịch sử và văn hóa. Nam Bộ vốn là vùng đất mới, được khẩn hoang khoảng 300 năm trở lại đây. Vì vậy, có hàng trăm địa danh mang tên các cầm thú như: đường Ba Khía (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp), bãi Vọp (huyện Ba Tri, Bến Tre), mương Bồng Bồng[15] (huyện Châu Phú, An Giang), rạch Cá Lóc (huyện Mang Thít, Vĩnh Long), rạch Cá Vồ (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), rạch Sáo Sậu (quận 12, TP. Hồ Chí Minh), rạch Cầu Sấu (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), rạch Cồng Cộc (huyện Long Hồ, Vĩnh Long)[16].v.v…

Trong các tên thú nêu trên, một số cũng có ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng mang những tên khác, còn một số chỉ có ở Nam Bộ. Chính những địa danh mang các tên các cầm thú này tạo cho địa danh Nam Bộ có một đặc trưng mà địa danh ở các vùng khác không có[17].

Trong Tự điển Taberd (1838) có ghi nhận:

(爪爪 𪀄)”[18]- chim Trảu Trảu, quaedam avicula (một loài chim).

Chim Trảu Trảu (爪爪 𪀄) trong Tự điển Taberd (1838)
Chim Trao Trảo

Kết luận.

Xưa kia khi lưu dân đến khai phá, vùng này có nhiều chim công và chim trảu trảu sinh sống, nên người xưa đã đặt tên cho vùng đất mới là xứ Gò Công Trảu Trảu… Theo thời gian, do kiểu phát âm ở Nam Bộ, địa danh Trảu Trảu biến âm thành Trảo Trảo, và nhược hóa âm đầu thành Trao Trảo như hiện nay. Những người dân cố cựu ở đây vẫn gọi vùng đất của mình là “xứ Gò Công Trao Trảo”.

Tìm hiểu những địa danh mà tiền nhân để lại, chúng ta sẽ cảm nhận được được không gian, môi trường và quá trình khai phá, chiến đấu của cha ông trên bước đường Nam tiến ở mảnh đất phương Nam này và cách thức dân gian bảo lưu những “ký ức dân gian” thông qua những địa danh hết sức gần gũi, thân thương!

Cầu Trao trảo
Cầu Gò Công
Gò Công là quê hương của Thánh Lê Văn Gẩm, có thuyết lưu truyền Thánh là viễn tổ của Nam Phương Hoàng Hậu (?) (cần test thông tin)

Ghi chú:

[1] Tỉnh Gò Công thành lập ngày 20/12/1899 từ hạt tham biện Gò Công, tỉnh lỵ đặt tại làng Thành Phố, vốn là hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi nhập lại. Từ ngày 9/2/1913 đến ngày 9/2/1924, Gò Công trở thành quận thuộc tỉnh Mỹ Tho. Năm 1946, Gò Công là một trong 21 tỉnh của Nam Bộ. Ngày 22/10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sáp nhập tỉnh Gò Công vào tỉnh Định Tường mới thành lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho trước đó. Tháng 2/1976, tỉnh Gò Công hợp nhất với tỉnh Mỹ Tho và TP. Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Hiện nay địa bàn tỉnh Gò Công cũ tương ứng với thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang. (Gò Công (tỉnh) – Wikipedia tiếng Việt)
[2] 1 tầm tương đương 2,15m.
[3] Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.303-304.
[4] 1 dặm tương đương 576m.
[5] Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.232.
[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập V, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.72.
[7] Alfed Schreinr (1906), Đại Nam quốc lược sử, Nguyễn Văn Nhàn dịch, Sài Gòn- Alfed SCHREINR, CHỦ BÁN SÁCH, 37 rue de Bangkok 37, tr.381 (mục Đăng Thành Biên Hòa).
[8] Thành ủy Biên Hòa (2012), Cảm xúc quê hương, Nxb Đồng Nai, tr.21.
[9] Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.138-139.
[10] Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Biên Hòa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.249.
[11] Hội Nghiên cứu Đông Dương (1997), Monographie de la province de Gia Định, Nguyễn Đình Đầu dịch và chú thích, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.56-57. Có thể sách này in nhầm, vì chợ Trao Trảo nay là chợ Trường Thạnh ở gần đình Ích Thạnh, trên đường Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9).
[12] Tòa thống đốc Nam Kỳ (2017), Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục, Nguyễn Đình Tư dịch và chú giải, Trần Văn Chánh hiệu đính, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.52.
[13] Tòa thống đốc Nam Kỳ (2017), Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục, Sđd, tr.52.
[14] Bản đồ Environs de Saïgon – Bản đồ vùng phụ cận SÀI GÒN năm 1911. https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/
Bộ sưu tập Bản đồ Lưu trữ Việt Nam (Trung tâm và Lưu trữ Việt Nam, Texas)
http://virtual-saigon.net/Maps/Collection?ID=1084
[15] Bồng Bồng là chim cùng loại với vịt trời nhưng lớn hơn.
[16] Trích tài liệu của Pgs.Ts Lê Trung Hoa:
Địa danh- Những tấm bia lịch sử- văn hóa của đất nước.
Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1-2006.
[17] Địa danh- Những tấm bia lịch sử- văn hóa của đất nước, Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1/2006.
http://www.vanhoahoc.vn/…/76-le-trung-hoa-dia-danh…. Tên cầm thú đi vào địa danh Nam Bộ.
http://www.namkyluctinh.com/…/letrunghoa-tencamthu[1].pdf.
[18] Trích: 南 越 洋 合 字 彙 DICTIONARIUM ANAMITICO-LATINUM- ADITUM A J. L. TABERD
http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary…
tr.541.