Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là người có đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc nhưng cũng chịu nỗi đau oan khuất nhất trong lịch sử. Vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc đã giết hại nhiều người trong gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi; những người sống sót đã phải phiêu tán khắp nơi, mai danh ẩn tích mãi cho tới hơn 20 năm sau khi Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan vào năm 1464.
Gần 600 năm trôi qua kể từ ngày gia tộc Nguyễn Trãi phải chịu nỗi oan khuất tru di tam tộc tày trời, đã có rất nhiều những ghi chép, nghiên cứu và nhận định của các học giả đi trước về vụ án Lệ Chi Viên, đem đến cho độc giả nhiều góc nhìn khách quan, sâu sắc hơn về sự thật đằng sau vụ án này. Trên cơ sở tham khảo và tổng hợp những nghiên cứu của những học giả đi trước, CLB Sử Học Trẻ xin gửi đến các bạn Kỳ 2: “OAN ÁN LỆ CHI VIÊN”.
Chuyện bắt đầu vào năm 1440 khi vua Lê Thái Tông xuống chiếu vời Nguyễn Trãi trở lại giúp củng cố triều đình đang tiềm ẩn nhiều mối họa. Lúc này, Nguyễn Trãi được phong chức Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm thừa chỉ học sĩ. Cùng với Nguyễn Trãi, người vợ lẽ của ông là Nguyễn Thị Lộ được vua giao giữ chức Lễ nghi nữ học sĩ, được ra vào cung cấm dạy học cho cung nhân.
Giai đoạn này, khi hậu cung của vua Lê Thái Tông đã có hoàng nam ra đời thì cuộc tranh chấp ngôi vị thái tử dần trở nên quyết liệt. Trong đó, nổi bật là hoàng nam Nghi Dân (thân mẫu là Dương Thị Bí), hoàng nam Bang Cơ (thân mẫu là Nguyễn Thị Anh), hoàng nam Tư Thành (thân mẫu là Ngô Thị Ngọc Dao).
Tháng Giêng năm Canh Thân 1440, Nghi Dân được phong thái tử đồng thời bà Dương Thị Bí được phong Thần Phi. Cuối năm này, bà Nguyễn Thị Anh có mang dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các phi tần và cả cung nữ. Trước tình hình trật tự hậu cung không được bảo đảm, Nguyễn Thị Lộ đã vận động vua Lê Thái Tông hạ lệnh thay thế và bắt giam những cung nhân ngỗ nghịch. Tuy nhiên, bà Lễ nghi học sĩ vẫn không thể ngăn chặn cuộc xung đột này.
Tháng 6 năm 1441, bà Nguyễn Thị Anh sinh hoàng nam Bang Cơ và sáu tháng sau, Bang Cơ được lập làm Thái Tử và Nguyễn Thị Anh được tấn phong Thần Phi. Lúc này, bà Dương Thị Bí bị giáng làm thứ phụ và Nghi Dân trở thành Lạng Sơn Vương.
Ấy thế mà, những ngày an ổn không kéo dài được bao lâu thì bà Ngô Thị Ngọc Dao lại mộng thấy “Kim tiên đồng tử” và có thai. Lo lắng cho địa vị thái tử, Nguyễn Thị Anh gièm pha với vua, tìm cách đày bà Ngọc Dao ra châu xa. Đúng lúc này Nguyễn Trãi có mặt ở triều đình, ông đã khuyên ngăn và vua nghe theo, chỉ trục xuất bà Ngọc Dao ra khỏi hoàng thành, an trí tại chùa Huy Văn, sau dưới sự giúp đỡ âm thầm của Nguyễn Trãi lại đưa đến vùng Thái Bình ngày nay để lánh nạn.
Tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442, bà Ngọc Dao sinh được con trai, vua vui mừng đặt tên con mới sinh là Tư Thành. Nhận được tin này, Thần phi Nguyễn Thị Anh vô cùng lo sợ cũng như căm hờn Nguyễn Trãi. Có lẽ, oan án Lệ Chi Viên chính thức bắt đầu vào lúc này…
Ngày 27 tháng 7 cùng năm, Lê Thái Tông rời kinh thành đi về Miền Đông để duyệt binh tại Chí Linh sau đó vãn cảnh Côn Sơn rồi đi theo đường sông trở lại kinh thành. Trong đoàn hộ giá có Nguyễn Thị Lộ. Ngày 4 tháng 8 âm lịch, vua về tới Trại Vải (tức Lệ Chi Viên) trên bờ sông Thiên Đức thì nghỉ lại. Đêm, Lê Thái Tông lên cơn sốt rét nặng, không chữa được nên băng hà ngay trong đêm ấy.
Về nguyên nhân vụ án, sử gia Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” có viết: “Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên song Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem và cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua…” Cũng ở phần ghi chép trên trong “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Đào Duy Anh (người hiệu đính, chú giải và hiệu chứng bản dịch “Đại Việt Sử ký toàn thư”) có chú thích như sau: “Nguyễn Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi, có sắc đẹp lại học giỏi, được Thái Tông gọi vào cung giao cho chức Lễ nghi nữ học sĩ. Có thể là khi Nguyễn Trãi về nghỉ ở Côn Sơn thì Nguyễn Thị Lộ cũng cùng về. So với tuổi của Lê Thái Tông thì Nguyễn Thị Lộ cũng hơn đến trên hai chục tuổi là ít”.
Như vậy, theo ghi chép của sử gia Ngô Sỹ Liên thì Nguyễn Thị Lộ giết vua, Nguyễn Trãi vì lấy Nguyễn Thị Lộ mà “cả họ bị diệt”.
Đến thế kỷ thứ XVIII, nhà sử học Lê Quý Đôn trong “Đại Việt thông sử” cho biết thông tin liên quan đến vụ án: “Khi vua Thái Tông đi tuần tra phía đông, mắc bệnh nguy kịch, Thiếu úy Trịnh Khả hầu hạ thuốc men không rời lúc nào”.
Các Sử quan triều Nguyễn (Thế kỷ XIX) trong “Khâm định Việt Sử thông giám cương mục” cũng ghi về án: “Tháng 7 mùa thu, nhà vua tuần hành ở phía đông, duyệt võ ở Chí Linh. Nguyễn Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Tháng 8 nhà vua về đến huyện Gia Định thì mất…Đến đây đi tuần ở phía Đông, xa giá quay về đến Trại Vải làng Đại Lại, huyện Gia Định thì mắc chứng sốt rét, Thị Lộ vào hầu suốt đêm, nhà vua mất. Trăm quan giấu kín chuyện này, lặng lẽ rước ngư giá về kinh đô. Nửa đêm vào đến trong cung mới phát tang. Người ta đều nói Thị Lộ giết vua bèn bắt giết Thị Lộ… Giết thừa chỉ Nhập nội Đại Hành khiển trí sĩ Nguyễn Trãi, tru di cả họ. Trãi phải chịu liên lụy vì người vợ lẽ Thị Lộ. Người ta đều cho là oan.”
Có thể thấy, Lê Quý Đôn cho rằng nhà vua bị “mắc bệnh nguy kịch” mà băng hà và theo hầu vua còn có Thiếu úy Trịnh Khả hầu thuốc suốt đêm. Vậy tại sao triều đình lại quy kết cho vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua?
Theo những ghi chép của các nhà Sử học trong các tác phẩm như “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên, “Thông định Việt Sử thông giám cương mục” của các Sử quan triều Nguyễn, “Lịch triều hiến chương loại chí” của văn thần thời Nguyễn – Phan Huy Chú, “Việt Sử toàn thư” của Phạm Văn Sơn,… thì đều ít nhiều có quan điểm cho rằng người gây ra cái chết cho vua Lê Thái Tông chính là bà Nguyễn Thị Lộ, và Nguyễn Trãi vì liên lụy tội do bà gây ra mà phải chịu án tru di tam tộc.
Tuy nhiên, dẫn theo lời GS. Đinh Xuân Lâm trong bài viết “Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử” cho rằng: “Đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý,…”.
Đến nay, các nhà sử học đã có nhiều quan điểm để làm sáng tỏ nguyên nhân vụ án. Sau khi UNESCO chính thức vinh danh Nguyễn Trãi là “Danh nhân văn hóa thế giới” (năm 1980), nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ được công bố. Đặc biệt, vào năm 2002, tại “Hội thảo khoa học về lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ” ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã dựa theo các nguồn tư liệu mới đặt trong bối cảnh tình hình chính trị triều Lê để đánh giá nguyên nhân vụ án. Từ đó đi đến kết luận rằng, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ không liên quan đến cái chết của vua Lê Thái Tông. Vụ án đã bộc lộ nhiều nhược điểm cố hữu của chế độ phong kiến mà mô hình xã hội với sự hoàn quyện giữa ba yếu tố “nhà, làng, nước”; ở đó, tính chất dòng tộc (Lý, Trần, Lê,…) độc tôn đã tạo nên tính ích kỷ của dòng họ. Hệ quả là khi một dòng họ nào thiết lập nên triều đại mà người đứng đầu là ông vua sáng thì phát huy được sức mạnh của dân tộc. Nhưng khi người đứng đầu triều đình là ông vua kém thì sẽ dẫn tới những đố kỵ, ích kỷ của quyền lợi tư thường.
Theo đó, một số nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh (lúc này là Thái hậu chấp chính cho vua Lê Nhân Tông mới lên 2 tuổi) từ lâu đã vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng, công trạng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi bị giết khi vua Lê Nhân Tông lúc ấy mới 2 tuổi vừa lên ngôi, sau này lớn lên, chính vua đã đánh giá về công lao và sự nghiệp của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp vua Lê Thái Tổ lấy võ dẹp loạn tặc, giúp vua Thái Tông lấy văn xây nền bình trị, văn chương đức nghiệp các danh tướng bản triều không ai bì kịp…”.
Đến tháng 7 năm 1464, vị vua “hùng tài đại lược” Lê Thánh Tông đã chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi đồng thời truy tặng ông tước Tán Trù bá. Nhiều năm sau đó, theo suốt chiều dài lịch sử, các triều đại đôi lần minh oan cho Nguyễn Trãi bằng cách gia phong tước vị, tựa như vua Lê Tương Dực truy tặng Nguyễn Trãi làm Tế Văn hầu, vua Lê Hiển Tông: tấn phong cho Nguyễn Trãi là Tuyên Linh diên khánh Đại Vương, vua Tự Đức ra sắc chỉ phong tặng Nguyễn Trãi là Tuấn mại cương trung Trung đẳng thần,…
“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.”
(Họa phúc có nguồn, đâu bỗng chốc?
Anh hùng để hận, dễ gì nguôi?)
(Quan Hải – Nguyễn Trãi)
Ngày nay trong giới sử học, có ý kiến của nhiều nhà chuyên môn như Vũ Khiêu , Phan Huy Lê, Hoàng Đạo Chúc, Phan Văn Các, Đinh Xuân Lâm cho rằng: còn một người nữa chịu oan khuất chưa từng được minh oan là Nguyễn Thị Lộ. Lịch sử đã minh oan cho Nguyễn Trãi nhưng ít ai lại lên tiếng thay cho người đàn bà đáng thương Nguyễn Thị Lộ. Nhiều nhà sử học cũng đề xuất cần phải có sự “công khai chiêu tuyết” (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà; để làm được việc này thì việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc phải được thực hiện một cách trung thực và khoa học.
Trong “Đại Việt Sử ký tục biên” có đoạn: “Vì sao mà làm quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc, có chính trị của một đời, tất phải có phải có sử của đời ấy; mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước; người ác biết có thể tự răn…” Có thể thấy, khi nhìn nhận về vụ án Lệ Chi Viên, có lẽ mỗi người đều có những cách tiếp cận và quan điểm khác nhau, nhưng suy cho cùng thì chỉ cần chúng ta có cái nhìn khách quan, nhiều phương diện và có sự ghi nhận xác đáng thì quốc sử sẽ thực sự được phát huy với đúng giá trị vốn có của nó.
Nguồn bài viết:
1. Nguyễn Trãi – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM;
2. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội;
3. Nguyễn Văn Cường, Vụ án Lệ Chi Viên và sự ly tán của gia đình, họ tộc Nguyễn Trãi. Link: http://consonkiepbac.org.vn/…/vu-an-le-chi-vien-va-su…
Cùng các tác phẩm chính sử đã được đề cập trong bài viết.
Nguồn hình ảnh: Sỹ Hòa
Tổng hợp và viết bài: Hải Đăng – Minh Nam.