Khởi nghĩa Lam Sơn

Khởi nghĩa Lam Sơn (1418–1427) là cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh (Trung Quốc) xâm lược về nước do Lê Lợi lãnh đạo và kết thúc bằng việc giành lại độc lập cho nước Đại Việt cùng với sự thành lập nhà Hậu Lê.

Bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn nói về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.(ảnh do Rungbachduong chụp tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam)

Trong giai đoạn đầu (1418–1423), nghĩa quân Lam Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thường hứng chịu các cuộc càn quét của quân Minh và quân Ai Lao, chịu tổn thất lớn. Quân Lam Sơn bấy giờ chỉ có thể thắng những trận nhỏ. Nghĩa quân bắt đầu giành thế thượng phong khi Lê Lợi nghe theo Nguyễn Chích, tiến quân ra đất Nghệ An vào năm 1424. Sau nhiều trận đánh lớn với quân Minh do các tướng Minh và cộng sự người Việt chỉ huy, quân Lam Sơn giải phóng hầu hết vùng đất từ Thanh Hóa vào Thuận Hóa, siết chặt vòng vây các thành chưa đầu hàng.

Ở giai đoạn cuối, sau khi tích lũy được lực lượng, quân Lam Sơn lần lượt chuyển đại quân ra Bắc, thực hiện chiến lược cơ động, buộc quân Minh phải co cụm để giữ các thành trì quan trọng. Đặc biệt với chiến thắng quyết định trong trận Tốt Động – Chúc Động, quân Lam Sơn giành được thế chủ động trên chiến trường và sự ủng hộ của dân chúng vốn khiếp sợ trước uy thế của quân Minh trước đó. Tiếp nối thắng lợi, cuối năm 1427, quân Lam Sơn triển khai chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang, đánh tan tác lực lượng viện binh quân Minh, buộc tướng chỉ huy quân Minh trên đất Việt cũ là Vương Thông phải xin giảng hòa và được phép rút quân về nước. Sau chiến thắng, Bình Định vương Lê Lợi sai văn thần Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô đại cáo để tuyên cáo cho toàn quốc. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, mở ra cơ nghiệp nhà Hậu Lê trong gần 400 năm sau đó.

Có 5 tác phẩm về sự kiện Khởi nghĩa Lam Sơn:
sách tư liệu
Lịch sử Việt Nam bằng tranh: khởi nghĩa Lam Sơn (tập 7/8)
Phát hành: 2015
Tác giả: Trần Bạch Đằng
Người gửi: Ẩn danh
Số trang: 314
Giới thiệu: Công trình Lịch sử Việt Nam bằng tranh ra đời nhằm mục đích giới thiệu lịch sử nước nhà một cách ngắn gọn, sinh động, có hệ thống, qua cách kể chuyện súc tích và tranh minh họa. Bộ sách tranh nhiều tập này cố gắng phản ánh con người và đất nước Việt Nam theo đúng tiến trình lịch sử với không gian, văn hóa, y phục, tính cách phù hợp với từng thời kỳ, từng triều đại cụ thể. Bộ sách được chia làm nhiều tập, mỗi tập viết về một thời kỳ hay một nhân vật, một vấn đề tiêu biểu của thời kỳ đó....
ĐỌC VÀ TẢI VỀ
clip lịch sử
Sử Việt 12 Khúc Tráng Ca (audio) – Khúc tráng ca thứ nhất
Phát hành: tháng 3 năm 2020
Tác giả: Dũng Phan
Người gửi: Ẩn danh
Thời lượng: 16 phút 03 giây
Nguồn: Kênh Youtube Hùng Ca Sử Việt
Giới thiệu: Tác phẩm “Sử Việt 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan. “Sử Việt 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.
XEM CLIP
sách tư liệu
Đại Việt thông sử
Phát hành: 1973
Tác giả: Lê Quý Đôn
Dịch giả: Lê Mạnh Liêu, Viện Sử Học
Người gửi: Ẩn danh
Số trang: 91
Giới thiệu: Đại Việt thông sử (còn gọi là “Lê triều thông sử”), gồm 30 quyển (theo Phan Huy Chú), viết năm 1749. Đây là bộ sử được viết theo thể kỷ truyện (chỉ có phần Bản kỷ là chép theo lối biên niên) chép từ thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Cung Hoàng (theo Phàm lệ của tác giả).
ĐỌC VÀ TẢI VỀ
sách tư liệu
Lam Sơn thực lục
Phát hành: 1956
Tác giả: Nguyễn Trãi
Dịch giả: Bảo Thần
Người gửi: Tùng Nguyễn
Số trang: 35
Giới thiệu: Sách ghi chép tóm tắt quá trình khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418-1427). Nguyên bản bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi viết, Lê Lợi đề tựa và kí là Lam Sơn động chủ. Tuy người đời sau có sửa chữa, thêm bớt, Lam Sơn thực lục vẫn là tài liệu có giá trị lịch sử chân thực.
ĐỌC VÀ TẢI VỀ
clip lịch sử
Bình Ngô đại chiến
Người gửi: Ẩn danh
Thời lượng: 1 tiếng 6 phút 28 giây
Nguồn: Đuốc Mồi Youtube channel
Giới thiệu: Năm 1407, Đa Bang thất thủ, họ Hồ tan vong, binh bại như núi đổ, Đại Việt chìm nghỉm vào hỗn mang tăm tối dưới ách thống trị của giặc Minh. Bao cuộc khởi nghĩa bùng lên rồi cũng tan tác trước khí thế bạo tàn của quân cướp nước. Trái tim đỏ lửa của người Giao Chỉ càng vùng vẫy nổi dậy, vó ngựa xéo giày của giặc Minh càng hung hăng dập tắt. Con rồng Đại Việt tưởng như chỉ còn thoi thóp hơi tàn. Thế nhưng, vạn sự mưu toan khó thoát khỏi ý trời luân chuyển. Sự xuất hiện của Lê Lợi đã từng bước thay đổi cục diện giang sơn. Sau những thất bại liên tiếp buổi đầu, thì bước ngoặt đã đến khi Lê Lợi chuyển hướng tấn công ra phía Bắc. Và trong cuộc tiến công làm nên lịch sử ấy, năm 1426 tại cánh đồng Tốt Động – Chúc Động, bộ ba tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện đã phối hợp chỉ huy 6,000 quân Thiết Đột đánh bại gần chục vạn quân Minh, tạo nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu, khiến quân Minh tổn hao lực lượng nghiêm trọng và rơi và thế co cụm phòng thủ, giúp quân Lam Sơn lấy được đại thế để từ đó hoàn toàn giành lại được độc lập cho dân tộc, lập nên nhà Hậu Lê kéo dài hơn 300 năm.
XEM CLIP