Một triều đại ngắn ngủi do Hồ Quý Ly – một đại quý tộc và đại thần nhà Trần – thành lập, lấy quốc hiệu là Đại Ngu (chữ Ngu ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”), đóng đô ở Thanh Hóa (còn gọi là Tây Đô), kinh đô cũ Thăng Long gọi là Đông Đô.
Tuy ngắn ngủi nhưng triều đại này lại có rất nhiều cải cách, cải tổ, từ việc đổi tên nước, đến đổi tiền giấy, làm sổ hộ tịch, phân loại thuế đến việc xa rời đạo Phật mà trọng Nho giáo…
Đến năm 1406, nhà Minh (Trung Quốc) đưa quân xâm lược Đại Ngu. Do không được lòng dân, binh sĩ bất mãn nên quân nhà Hồ thua nhanh chóng, cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt và giải về Trung Quốc. Nhà Hồ diệt vong.
Con người của “cải tổ” và “cách mạng” Hồ Quý Ly cho đến nay vẫn là một nhân vật mang lại nhiều tranh cãi. Rút cục Hồ Quý Ly có công hay tội đối với dân tộc? Thế lực xuống dốc của nhà Trần khó có thể cưỡng lại được quy luật của lịch sử là phải bị đào thải và thay thế. Tuy nhiên phải chi Hồ Quý Ly cũng có thể khéo léo hạ bệ nhà Trần như Trần Thủ Độ xưa kia đã hạ bệ nhà Lý thì có lẽ thảm cảnh 20 năm Bắc thuộc đã có thể được tránh khỏi. Triều đại nhà Hồ ngắn ngủi cũng để lại cho dân tộc một số di sản quý giá như thành nhà Hồ ở Thanh Hóa hay bậc kỳ tài Hồ Nguyên Trừng.