Đinh Tiên Hoàng (chữ Hán: 丁先皇; 22 tháng 3 năm 924 – tháng 10 năm 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (丁部領), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các Vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Hoàng đế như một dòng chính thống. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mà ông còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.
Về trị quốc, Đinh Tiên Hoàng cho đúc đồng tiền đầu tiên ở Việt Nam, đồng tiền Thái Bình hưng bảo. Việc cai trị trong nước có phần quá thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc, ai phạm tội bị bỏ vạc dầu, cho hổ dữ ăn thịt. Nên có nhiều người còn ví von ông với Tần Thủy Hoàng của triều Tần (cũng thống nhất đất nước Trung Hoa từ chỗ bị chia 5 xẻ 7, rồi áp dụng luật lệ hà khắc).
Về việc bồi tài người nối ngôi, về cuối đời ông mắc sai lầm là đã bỏ con trưởng Đinh Liễn từng theo ông chinh nam dẹp bắc để lập con út Hạng Lang, người ông yêu quý hết mực, lên làm Thái tử. Trong khi đó, ông còn lập hẳn 5 bà Hoàng hậu nên những việc xúi bẩy, tranh quyền đoạt lợi từ chốn hậu cung là không thể tránh khỏi, đã dẫn đến những tấn bi kịch
Năm 979, Đinh Liễn uất ức vì không được lập thái tử đã giết người em Hạng Lang. Bi kịch nối tiếp bi kịch. Cùng năm đó, một viên quan là Đỗ Thích đã sát hại cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Chính sử nói rằng nguyên nhân là do Đỗ Thích nằm mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua. Nhưng nhiều luận cứ khá thuyết phục gần đây đã thiên về giả thuyết, người đứng đằng sau vụ án giết vua của Đỗ Thích là thái hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Vụ này cho đến tận bây giờ vẫn còn là một nghi án trong lịch sử.