Phan Đình Phùng (1847 – 21 tháng 1 năm 1896) hiệu Châu Phong (珠峰), tự Tôn Cát, là một nhà cách mạng Việt Nam, lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống lại thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương. Trong thế kỷ 19, ông là sĩ phu Nho giáo nổi bật nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Trong thế kỷ 20, sau khi đã qua đời, Phan Đình Phùng vẫn được những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc. Phan Đình Phùng nổi tiếng với những ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân – không chịu đầu hàng ngay cả khi quân Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết gia đình.
Khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân ở miền xuôi lẫn miền ngược, cả về sức lực lẫn của cải vật chất. Về quân sự, nghĩa quân được tổ chức theo lối chính quy, có kỷ luật nghiêm minh và cùng kiểu trang phục; biết sử dụng các phương thức tác chiến linh hoạt, phong phú, biết phát huy tính chủ động, sáng tạo khi giáp trận với đối phương. Trong đội ngũ đã có sự tổ chức, sự huấn luyện đầy đủ và được trang bị khá đàng hoàng, khiến đối phương cũng phải hết sức khâm phục.
Phan Đình Phùng mất, cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng tan rã. Song, công cuộc vì đại nghĩa này rất xứng đáng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương. Đây cũng là thời điểm kết thúc sứ mạng lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu phong kiến Việt Nam chống Pháp.