Trương Minh Giảng (chữ Hán: 張明講; 1792-1841) là một danh thần nhà Nguyễn. Ông được đánh giá là một người “văn võ song toàn”, là công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn.
Trương Minh Giảng vị Tổng đốc đa tài, ngoài chỉ huy quân đội, ông đã thể hiện khả năng quản lý giỏi. Cụ thể, sau khi ổn định tình hình Trấn Tây, Trương Minh Giảng đã chỉ huy xây lại thành An Giang và Hà Tiên năm 1834, ổn định cuộc sống nhân dân. Tham gia đo đạc địa bạ 6 tỉnh Nam Kỳ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thương mại biên giới…
Sự đóng góp của Tổng đốc Trương Minh Giảng đối với tỉnh An Giang và Nam Bộ từ năm 1833-1841 là rất lớn trên các lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị nội địa và bảo vệ độc lập cho nước Chân Lạp, xóa tan sự xâm lược của Xiêm La. Công sức đóng góp của ông đã được Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi chép khá nhiều, nhưng cuộc đời Tướng quân của ông lắm bi kịch, uẩn khúc trên bước đường hoạn lộ ở vùng đất biên thùy này: Tột đỉnh vinh quang cũng ở An Giang với chức Tổng đốc An Hà, Bảo hộ Cao Miên; rồi sau đó là Tướng quân Trấn Tây thành, hàm Đông các Đại học sĩ, tước Bình Thành Bá; và cũng vùng đất này ông bị tước đi nhiều thứ – quyền uy, công lao, buồn bực và chết tức tưởi tại thành An Giang.
Do bị vua Thiệu Trị trách phạt và tịch thu toàn bộ bổng lộc của con cháu nên sau khi mất, mộ phần Trương Minh Giảng không được chăm sóc tốt như các quan khác dù rằng tước vị của ông lúc mất là Bình Thành bá và là vị tướng uy quyền nhất Đại Nam. Mộ phần của ông và cha là Thành Tín hầu Trương Minh Thành hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh đang trở nên hoang tàn và bị chiếm dụng.
Đời Tự Đức thứ 11 (1857), Trương Minh Giảng được thờ ở đền Hiền Lương.
Trước năm 1975, ở Sài Gòn có đường mang tên Trương Minh Giảng, sau đó, đổi tên thành Lê Văn Sỹ. Ở Đà Nẵng hiện nay cũng có đường mang tên Trương Minh Giảng,