Có thể nhìn nhận khởi điểm lịch sử văn hóa Nam Bộ được tính mốc là năm 1623 khi vua Chân Lạp cho chúa Nguyễn di dân Việt đến định cư ở Prey Kôr (thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Vùng đất Nam Bộ bấy giờ chỉ là một vùng hoang dại với hệ thống đất đai trũng, úng, sình lầy và sông rạch chằng chịt. Bắt đầu từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở vào. Cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tiếp nhận một đoàn người Hoa đến quy thuận và cho họ đến khai phá và định cư ở Biên Hoà – Đồng Nai. Tiếp đó mộ dân từ Quảng Bình vào và chia đặt doanh, huyện, lập hộ tịch. Như vậy, phải gần một thế kỷ sau Nam Bộ mới bước đầu được định hình một vùng văn hóa. Một nền văn hoá vùng miền hình thành qua thời gian một thế kỷ không phải là dài và khi người Việt đến vùng đất mới mang theo hành trang với vốn văn hóa đúc kết hàng ngàn năm của dân tộc Việt đã góp phần tạo nên nền tảng của hệ giá trị văn hóa Nam Bộ.
Nam Bộ vừa có bề dày tiến trình lịch sử văn hóa lại vừa là vùng đất giàu sức trẻ do các tộc người ở đây đang dày công xây dựng nên. Từ vị thế địa lý, văn hóa Nam Bộ, đang giúp trở thành trung tâm của quá trình tiếp biến văn hóa, phần nào tạo cho vùng có những nét đặc thù, diện mạo mới đối với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam. Tính mở của một vùng đất mới làm nên tính năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm của người dân Nam Bộ. Tính mở là cơ sở cho việc tiếp nhận và tiếp biến thành công nhiều giá trị văn hóa cao và hiện nay có thêm nền văn minh hiện đại…
(trích: Wikipedia tiếng Việt)