(Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Lãnh thổ Việt Nam qua từng thời điểm là sự biến đổi không gian sinh tồn của người Việt, thể hiện bởi các triều đại chính thống được công nhận. Nó mang tính chất phức tạp, lúc bị mất lãnh thổ về các nhà nước khác, lúc xâm chiếm chinh phục được lãnh thổ mới.
Tựu chung lại, vùng lãnh thổ cốt lõi phát sinh ra người Việt hiện đại là vùng châu thổ sông Hồng, sau các thế kỷ chinh phục, đồng hóa, khai khẩn mà lãnh thổ của người Việt đã trải dài đến vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đến nay, diện tích lãnh thổ đã mở rộng ra hơn 3 lần so với ban đầu vào thế kỷ 10.
Bên cạnh sự mở rộng về lãnh thổ đất liền, trong nhiều thế kỷ, người Việt cũng từng bước mở rộng quyền sở hữu, kiểm soát và khai thác lãnh thổ trên biển–đảo (lãnh hải) xung quanh mình. Phạm vi đó kéo dài từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, dài hơn 3,400 km, với khoảng 4,000 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ và ngoài khơi xa.
Lãnh thổ Việt Nam ngày nay có hình chữ S chạy dài theo hướng Đông Nam của bán đảo Đông Dương, từ Hà Giang tới Cà Mau.
Lãnh hải rộng lớn (Việt Nam tuyên bố 12 hải lý (22,2 km) ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý (370,4 km) làm vùng đặc quyền kinh tế). Hai quần đảo lớn là Trường Sa, Hoàng Sa. Đảo lớn nhất là Phú Quốc và rất nhiều các hòn đảo nhỏ khác.
Hiện tại Quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia trong khu vực tranh chấp do có tiềm năng lớn về dầu khí và nguồn cá dồi dào. Việt Nam là quốc gia nắm giữ nhiều đảo nhất. Các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei.