Chữ Nôm (𡨸喃), còn gọi là Quốc âm (國音) là hệ thống văn tự ngữ tố dùng để viết tiếng Việt (khác với chữ Quốc Ngữ tức chữ Latinh tiếng Việt là bộ chữ tượng thanh). Chữ Nôm được tạo ra dựa trên cơ sở là chữ Hán (chủ yếu là phồn thể), vận dụng phương thức tạo chữ hình thanh, hội ý, giả tá của chữ Hán để tạo ra các chữ mới bổ sung cho việc viết và biểu đạt các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán ban đầu.
Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Tại giai đoạn này, chữ Nôm là công cụ thuần túy Việt Nam duy nhất ghi chép lịch sử, văn hóa dân tộc. Người Việt sáng tạo ra chữ Nôm và dùng để biểu đạt từ thuần Việt, kết hợp với chữ Hán dùng để biểu đạt từ Hán Việt và tạo nên một bộ chữ viết phổ thông cho tiếng Việt lúc đó. Sơ khởi, chữ Nôm thường dùng ghi chép tên người, địa danh, sau đó được dần dần phổ cập, tiến vào sinh hoạt văn hóa của quốc gia. Vào thời Nhà Hồ ở thế kỷ 14 và Nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính. Đối với văn học Việt Nam, chữ Nôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là công cụ xây dựng nền văn học cổ truyền kéo dài nhiều thế kỷ.
Tuy hiện nay ít khi được sử dụng ở Việt Nam, chữ Nôm cùng với chữ Hán vẫn là dạng ký tự quan trọng của tiếng Việt bởi không chỉ có vai trò biểu thị ý nghĩa của từ (tránh sự đồng âm khác nghĩa và hiểu nhầm nghĩa do chữ Quốc ngữ chỉ có khả năng biểu âm) mà còn là văn tự chủ yếu dùng để ghi chép và thể hiện tiếng Việt trong phần lớn lịch sử Việt Nam, là một phần không thể để mất của văn hóa truyền thống.
Vì thời gian chữ Nôm được coi là chữ viết chính trong văn tự hành chính pháp lý là không lâu (chỉ riêng Nhà Tây Sơn có chủ trương này), nên đến hiện tại chữ Nôm chưa được chuẩn hóa toàn diện về âm đọc và mặt chữ (cách viết, bộ thủ) như Kanji hay Hanja, do vậy thông thường một từ ghi bằng chữ Quốc ngữ mang nghĩa chung (không tính các từ đồng âm khác nghĩa) có nhiều chữ Nôm để viết.