Nạn phá rừng là một trong những vấn nạn ở Việt Nam, Lào và Campuchia thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế. Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm lặc chặt phá rừng. Các hình thức phá rừng ngày càng tinh vi và trắng trợn như chuyển đổi rừng, phê duyệt các dự án đầu tư đã gây bất bình trong dư luận nhưng lại bị chính quyền cố tình bỏ lơ.
Vào khoảng những năm 2012, cùng với nhu cầu cao su tăng cao từ Trung Quốc cũng như giá cao su toàn cầu tăng cao, Việt Nam nổi lên là một nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới. Để mở rộng việc trồng cây cao su mở rộng sản xuất, các tập đoàn kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành thâu tóm đất đai tại Campuchia và Lào, trong đó có những khu vực đất rừng nguyên sinh, khu sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên… làm vấn nạn chặt phá rừng đã bùng phát mạnh mẽ tại Lào và Campuchia, kéo theo một loạt vấn đề nổi cộm về môi trường và xã hội tại những đất nước này.
Hậu quả nhãn tiền của vấn nạn phá rừng là lũ lụt, sạt lở, nhiều loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, làm mất cân bằng khí hậu dẫn đến hiệu ứng nhà kính… ngoài những vấn đề về xã hội, sinh kế, tâm linh của người dân tại khu vực 3 nước này.