Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên theo đường hải và đường bộ. Những vết tích đầu tiên được được ghi nhận với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Đầu công nguyên, Luy Lâu (Bắc Ninh) là thủ phủ của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các dấu tích của Phật giáo tại Việt Nam được ghi nhận qua các truyền thuyết như Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189, Phật giáo hình thành nên hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp.
Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành “Bụt”, từ đó chữ “Bụt” được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Phật giáo Nam truyền được địa phương hóa, Bụt được dân gian hóa coi như một vị thần cứu giúp người tốt. Sau này, vào thế kỷ thứ IV – V, do ảnh hưởng của Phật giáo nhà Hán, Trung Quốc mà từ “Bụt” bị thay thế dần bởi từ “Phật”.
Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến thời nhà Đinh – Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.
Các tông phái Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam đó là: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông và Nam tông.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam năm 2020, hiện có hơn 4,600,000 tín đồ Phật giáo, còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 1002 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường.