Trần Khánh Dư (1240 – 1340), là một chính khách, một nhà quân sự, anh tướng lừng lẫy của Đại Việt dưới triều đại nhà Trần. Ông là người quê ở Chí Linh, Hải Dương, cha của ông là Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt. Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, tham gia chinh phục Chiêm Thành năm 1312 nhưng bị sử sách phê phán vì tính tham lam, thô bỉ thể hiện qua câu nói “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”.
Trần Khánh Dư tài hoa, cũng có chút đam mê tửu sắc, sống phóng túng và lãng mạn. Ông tiếp tục được tin tưởng, trọng dụng, còn được thăng tiếp đến Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ. Quyền thế đang như thế thì ông mắc vào tội quyến rũ và ngoại tình với Thiên Thụy công chúa, là vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sự việc vỡ lở, vua Trần Thánh Tông, dù rất yêu quý và nể vì Trần Khánh Dư, nhưng sợ Hưng Đạo đại vương phật ý, nên đã xử tội ông phải bị đánh cho đến chết. Khi thi hành án, vua lại ngầm lệnh cho lính đánh chúc đầu gậy xuống qua người ông, vì thế, qua 100 gậy mà Trần Khánh Dư vẫn không chết. Theo luật, thế là trời tha, nên ông được miễn chết. Trần Khánh Dư chỉ bị phế truất binh quyền, tịch thu mọi gia sản. Ông lặng lẽ rời triều, lại về quê cũ Chí Linh, làm nghề đốt than, chở thuyền trên sông, buôn bán kiếm sống thảnh thơi qua ngày.
Năm 1282, ông được Trần Nhân Tông phục chức và được phong làm Phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn.
Khánh Dư có công lớn trong việc đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy vào tháng 12 năm 1287, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.
Tháng 5 năm 1312, ông theo Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trận này quân Đại Việt bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về.
Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn có kiêm tài văn. Ông là người viết lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép lại lời tựa ấy. Lời tựa có câu: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.“
Trong thời gian làm tướng ông cũng kinh doanh. Đây là điểm đặc biệt ở ông, khác với nhiều quan lại chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước, không quan tâm đến sản xuất và kinh doanh. Ông cũng nổi tiếng về tính “con buôn” khi đối xử với dân chúng và binh lính.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có viết lại một chuyện, khi Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh:”Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái tất phải phạt”.
Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang:”Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm.