Trịnh Hoài Đức (chữ Hán: 鄭懷德; 1765 – 1825), còn có tên là An (安), tự Chỉ Sơn (止山), hiệu Cấn Trai (艮齋); là một công thần của triều Nguyễn, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18-19. Sinh thời, ông từng được vua nhà Nguyễn ban tước An Toàn hầu. Tổ tiên ông vốn là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), sang Đàng Trong (thuộc Việt Nam ngày nay) thời chúa Nguyễn Phúc Tần; trước ngụ ở Phú Xuân (Huế), sau vào ở Trấn Biên (vùng Biên Hòa ngày nay).
Đặc biệt, quyển Gia Định thành thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam.
Tác phẩm:
Cấn Trai thi tập: gồm 3 tập: Thối thực truy biên tập, Quan quang tập, Khả dĩ tập. Là những bài thơ làm từ năm 1783 đến năm 1819, được khắc in năm 1819.
Bắc sứ thi tập: gồm những bài thơ làm khi đi sứ sang nhà Thanh.
Gia Định tam gia thi tập: tức tập thơ của tam gia Gia Định, là: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định.
Đi sứ cảm tác: là tập gồm 18 bài viết theo kiểu liên hoàn chữ Nôm.
Lịch đại kỷ nguyên
Khang tế lục
Gia Định thành thông chí: gồm 6 quyển, viết bằng chữ Hán, không có lời tựa, nên không biết tác giả biên soạn vào năm nào và trong hoàn cảnh nào. Chỉ biết là sách hoàn thành trong đời Gia Long, cho nên ngay khi vua Minh Mạng xuống chiếu cầu sách cũ (1820), ông đã đem dâng lên. Nội dung bộ sách ghi chép khá đầy đủ về núi sông, cửa biển, phong tục, sản vật, con người ở Gia Định (Nam Bộ ngày nay),… Đây là một công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, và đã được dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ 19.
Giới thiệu:Võ Trường Toản là danh nhân được nhiều người biết đến, cụ là nhà nho nổi tiếng ở Nam Bộ trong thế kỷ XVIII. Là người học rộng, đạo cao đức trọng, có trí thông minh trác tuyệt, cụ không đi thi để ra làm quan mà ở ẩn, mở trường dạy học ở Hòa Hưng. Học trò của cụ có tới mấy trăm người, có những người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, người đời gọi là “Gia Định tam gia thi”, Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm, Phạm Đăng Hưng…. Những nho sĩ tiết tháo thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị… cũng chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo họ Võ.