Kênh Vĩnh Tế – Thủy Đạo Trọng Yếu Miền Biên Viễn
Miền Tây Nam Bộ với mạng lưới sông ngòi dày đặc, giàu phù sa, hàng năm đều có mùa lũ mang về nguồn lợi khổng lồ là đặc điểm nổi bật của vùng đất này so với các vùng khác trên đất nước Việt Nam. Bên cạnh cái lợi về nông nghiệp, nó còn mang lại điểm mạnh về thương nghiệp cũng như về mặt quân sự và với tài trị thủy tài của mình, người xưa đã không bỏ qua những sự thuận lợi đó. Vào Thế kỷ 19, sau công trình kênh Thoại Hà, quân đội và nhân dân Việt Nam – Chân Lạp ở khu Tây Nam dưới sự chỉ huy trực tiếp từ Nguyễn Văn Thoại và một số quan tướng đã bắt tay vào đào công trình thế kỉ “kênh Vĩnh Tế”.
- Quá Trình Hình Thành
Con kênh này được đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc Đốc thuộc xã Vĩnh Ngươn, TX.Châu Đốc (An Giang) thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc Thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. Dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831), Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820). Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), Phó Tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại góp sức. Ngay trong đợt đầu đã có hơn 10.000 nhân công bao gồm: 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer. Kênh phải qua nhiều đoạn đất cứng khó đào, lại có khi gặp phải thời tiết, khí hậu bất lợi nên có lúc công việc phải gián đoạn hoặc chậm chạp. Biết vậy, ngay khi lên ngôi (1820), vua Minh Mạng lập tức ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia định là Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 39.000 người, trong số đó binh và dân người Khmer 16.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ hàng triệu mét khối đất đá… và có khi phải thay nhau thi công suốt ngày đêm… Năm 1824, kênh hoàn thành với chiều dài 205 dặm rưỡi (91km), rộng 7 trượng 5 thước (25m), sâu 6 thước(3m). Ước tính, trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 80.000 dân binh. Kênh đào xong đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng miền Hậu Giang và việc đi lại bằng đường thủy vô cùng thuận lợi. Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết rằng : “… Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước đến phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”. Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.Ngày nay, nhìn trên bản đồ, duyệt lại chuyện cũ, chúng ta cũng thấy được sự lợi ích lớn của việc làm thời đó. Nó không những chỉ làm một đường nước lưu thông bằng thuyền để buôn bán đi lại, hoặc để giữ gìn đường ranh giới. Nó còn có tác dụng quan trọng khác là đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa sạch chất muối, chất phèn cho mùa màng thêm tươi tốt.
- Những Khó Khăn Trong Quá Trình Đào Kênh
Nhưng đi đôi với thắng lợi to lớn, sự tổn hại cũng khá nhiều. Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục, người ta đập lầm chày vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết. Lại còn bị nạn thú dữ làm hại, nạn rắn độc hoặc là chết vì bệnh do rừng thiêng nước độc. ban đêm cọp rình bắt người xé xác mà ăn thịt, Rắn bò nhung nhúc trong bưng biền, bờ bụi, hang hốc. Rủi ro chạm phải nọc độc của mái gầm, hổ mây mà không có thầy thuốc ở gần thì cầm chắc là mất mạng. Câu nói “Mái gầm tại lỗ, rắn hổ về nhà”cũng vì lẽ đó. Bởi vậy nhiều người phải bỏ việc mà trốn.Nếu những cái nguy kể trên đều được tai qua nạn khỏi thì khi về tới sông Vàm Nao, họ còn sợ nạn cá mập là khủng khiếp hơn cả. Vàm Nao là một nhánh sông ăn thông giữa sông Tiền và sông Hậu, nơi từng chứng kiến biết bao thảm kịch lịch sử trong thời chiến tranh Xiêm Việt, chiến tranh Miên Việt. Một nơi nước xoáy cuộn vòng cầu, đánh đắm nhiều thương thuyền và trong năm 1700, nó từng được Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên là “Thuận Vàm” với ước mong giảm thiểu tai nạn cho nhân dân. Sông Vàm Nao hồi ấy hẹp, nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân muốn trốn phải về đường đó, vì đường đó rừng bụi nhiều và nó là nẻo tắt, cách xa đường dịch trạm (tức công lộ – đường lớn), không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy mà khi xuống, mười người chỉ còn sống sót được có năm ba và có khi tay chân có khi còn bị cụt mất.
- Nguồn Gốc Tên Gọi
Vì đã lấy tên là Thoại Ngọc Hầu mà đặt tên cho kinh và núi (Thoại Hà và Thoại Sơn) sau khi ông đào xong kinh Đông Xuyên – Kiên Giang. Nhà vua xét thấy Thoại Ngọc Hầu phu nhân, dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà và tên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời ghi nhớ ơn vua đã lấy tên phu nhân Châu Thị Tế đặt tên mới cho núi và cho ghi chép lại việc khai phá vùng đất Châu Đốc ngày nay cho nên Thoại Ngọc Hầu đã cho dựng bia “Vĩnh Tế Sơn”.
- Vai Trò To Lớn Đối Với Chiến Lược Quốc Phòng – An Ninh.
Kênh Vĩnh Tế là công trình quy mô nhất thời bấy giờ, không những thể hiện tầm nhìn chiến lược của chính quyền nhà Nguyễn mà trên thực tế đã phát huy được vai trò và lợi ích to lớn của nó đối với chính trị, an ninh quốc phóng, đối ngoại cũng như việc phát triển vùng biên viễn trên toàn bộ khu vực phía Tây Nam từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Đại Nam nhất thống chí chép: ” Từ đấy đường song thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”.Là minh chứng cho chiến công vĩ đại trong sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu đồng thời cũng là tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân trong những vấn đề “kinh bang tế thế”. Kênh Vĩnh Tế đã đóng vai trò to lớn vào chiến lược quốc phòng và công cuộc khẩn hoang lập làng của nhà Nguyễn trên vùng đất An Giang – Hà Tiên xưa và vùng đất An Giang ngày nay. Ca dao có câu: Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
#vietsu #event #lịchsửnè #lichsuvietnam