Thoại Ngọc Hầu: Án Oan của một công thần
Tác giả: Nguyễn Thiếu Dũng
Người gửi: Ẩn danh
Phát hành: 2017
Số trang: 2
Giới thiệu: Thoại Ngọc Hầu, một công thần suốt đời tận tuỵ hy sinh vì cơ đồ của nhà Nguyễn. Sinh thời ông rất được các vua Gia Long, Minh Mệnh trọng dụng nhưng khi mất đi chưa được bao lâu thì cũng chính Minh Mệnh đã hài tội ông, còn các sử quan nhà Nguyễn thì trong Đại Nam Chính Biên liệt truyện, theo lối viết Xuân Thu đã xếp ông vào nhóm công thần trọng tội: Lê văn Quân, Nguyễn văn Thoại, Lưu Phước Tường, Đặng Trần Thường, Đỗ Thanh Nhân.( ĐNLT, T2, tr 511, nxb Thuận Hoá 2006)...

Thoại Ngọc Hầu, một công thần suốt đời tận tuỵ hy sinh vì cơ đồ của nhà Nguyễn. Sinh thời ông rất được các vua Gia Long, Minh Mệnh trọng dụng nhưng khi mất đi chưa được bao lâu thì cũng chính Minh Mệnh đã hài tội ông, còn các sử quan nhà Nguyễn thì trong Đại Nam Chính Biên liệt truyện, theo lối viết Xuân Thu đã xếp ông vào nhóm công thần trọng tội: Lê văn Quân, Nguyễn văn Thoại, Lưu Phước Tường, Đặng Trần Thường, Đỗ Thanh Nhân.( ĐNLT, T2, tr 511, nxb Thuận Hoá 2006)

Đối với chế độ quân chủ phong kiến, vua là người duy nhất có uy quyền, không một ai khác có thể tạo ảnh hưởng đối với nhân dân lấn át ảnh hưởng vua, nhất là đối với nhà Nguyễn, ngay trong hoàng gia và triều đình những mầm họa lấn lướt ảnh hưởng vua cũng đã bị chận đứng không để tạo thành phôi: không phong Hoàng hậu, không lập Thái tử, không ban Tể tướng, không lấy Trạng nguyên. Vì thế đối với đình thần, nhà Nguyễn càng cảnh giác rất cao, những ai có công trạng càng phải đề phòng. Gia Long diệt Đỗ Thanh Nhân ngay khi còn đang bôn ba khôi phục sự nghiệp vì cái thế của vị tướng Đông Sơn này có triệu lấn lướt Nguyễn Vương, Gia Long bức tử Nguyễn văn Thành khi vị Tiền Quân Tổng Trấn Bắc Thành này muốn can dự vào việc lập người kế vị. Khi đã lên ngôi, Minh Mệnh tạo ra vụ án loạn luân để dìm chết Tống Thị Quyên vợ Đông Cung Cảnh và loại Mỹ Đường con của Đông Cung Cảnh ra khỏi hoàng gia để phòng biến loạn tranh chấp ngai vàng. Đối với đình thần, nhà Nguyễn thường dùng chiêu “cây gậy và nắm xôi” để chế ngự họ. Một Nguyễn Công Trứ lên voi xuống chó khi làm tới Đại tướng lúc bị cách tuột xuống làm lính thú ở biên thuỳ mà vẫn cúc cung tận tuỵ với nhà Nguyễn là một điển hình của chính sách này.

Trường hợp Thoại Ngọc Hầu cũng không nằm ngoài chính sách vắt chanh bỏ vỏ của Minh Mệnh, ngày nay càng ôn lại cuộc đời của ông chúng ta càng cảm thấy đau lòng, xót xa cho những oan khuất mà Hầu phải gánh chịu khi tấm thân đã về trong lòng đất làm cho đất mẹ thêm mầu mỡ hơn.

Sinh thời Thoại Ngọc Hầu rất được các vua nhà Nguyễn trọng vọng, nếu có sóng gió chỉ là những gợn sóng lăn tăn, chứ không phải những đợt ba đào vùi dập như Nguyễn Công Trứ, nhưng khi ông nằm xuống thì bão táp mới ập đến, vì sao vậy?

Thoại Ngọc Hầu không phải là trường hợp đơn lẻ sau khi chết rồi mới bị hài tội mà hiện tượng này được lặp lại một cách có hệ thống dưới thời Minh Mệnh, sau ông còn có Lê văn Duyệt, Lê Chất v.v…Khi còn đương quyền, Lê văn Duyệt và Lê Chất rất được Minh Mệnh trọng vọng. Lê văn Duyệt được Minh Mệnh thưởng công trung thành tận tuỵ ban cho đai ngọc, một vinh dự lớn lao mà các hoàng tử tước công cũng chưa từng được hưởng, còn Lê Chất chết, Minh Mệnh thương xót nghỉ chầu 3 ngày. Vậy mà sau khi họ chết chẳng bao lâu Minh mệnh đã hài tội:

Lê văn Duyệt lúc còn sống mạo danh nghĩa, tự cho mình là công bằng, trung trực đối với nước, nhưng xét đến việc làm điều gì cũng ngông cuồng bội nghịch” (ĐNTL, XVIII, 221) “Trước đây tên hoạn quan chuyên quyền là Lê văn Duyệt lấy oai ức hiếp, kẻ ngu tự cho hắn là chủ soái một phương, không biết đến triều đình”…(ĐNTL, XVIII, 291)

Còn Lê Chất thì vua phán: “Chất tính vẫn sài lang, nết cũng quỷ quái, làm tôi thì bất trung, bất chính, xử sự thì đại ác,đại gian, việc gì cũng làm bậy, ai ai cũng phải nghiến răng”.( ĐNLT, T2, tr 481, nxb Thuận Hoá)

Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt dựa nhau làm gian, tội ác to nặng, cái tóc cái tội, bổ quan tài ra mà chém xác cũng không quá đáng”.( ĐNLT, T2, tr 483, nxb Thuận Hoá 2006)

Thoại Ngọc Hầu lúc sinh thời được liệt vào hàng ngũ công thần có công phò giá Gia Long khi còn bôn ba ở Thái Lan gọi là công thần Vọng Các, là người cần mẫn siêng năng, thanh liêm, có trách nhiệm như lời tâu của quan chức ở trấn thành Gia Định: “Án thủ bảo Châu Đốc, Thống chế Nguyễn văn Thoại trước mộ dân dời đến ở đất biên thuỳ,đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1900 quan tiền và 1500 phương gạo,đã hoãn cho nhiều năm, dân vẫn không trả được.Đến nay Thoại đem của nhà trả bù cho dân”.Vua nói:

Thoại làm như thế là tôn trọng của nhà nước đấy. Nhưng nghĩ dân ấy mới chiêu tập đến, sinh lý chưa thừa, nay bắt Thoại đền, lòng trẫm không nỡ như thế. Hơn nữa Thoại ở biên thuỳ lâu ngày, dân tình thoả hiệp, tiền gạo trả bồi ấy thì đúng số trả lại cho, có thể xem như trẫm khen đấy “(ĐNTL, VIII, Tr 179, năm 1827)

Thế mà chẳng bao lâu sau khi Thoại Ngọc Hầu không còn nữa Minh Mệnh đã đổi giọng:

Nguyễn văn Thoại đã được uỷ cho trọng trách bảo vệ biên cương, thế mà không biết tuyên dương đức hoá, vỗ yên dân chúng ngoài biên, lại dám sinh sự nhiễu dân, gây nhiều suối tệ! Huống chi Thoại lại cùng kẻ bị trãm quyết là Trần Nhật Vĩnh dối trá giấu giếm mọi việc, dựa nhau làm điều gian, tội ác rất nặng, nếu con người ấy còn sống thì ta cũng cứ giữ lòng chí công làm đúng hình pháp, chém đầu để bêu cho mọi người biết.”(ĐNTL, XI, 88, 1832)

Khi cần Nguyễn văn Thoại ở cương vị bảo vệ Cao Miên, Minh Mệnh hết lời động viên ông:

“Vua nghe tin bảo hộ Nguyễn văn Thoại cùng vua Phiên không hợp ý muốn xin giải chức, dụ rằng : “Vỗ về nước Phiên thuộc,trị yên nơi biên cương, cần phải được người mới có thể tuyên bố oai đức triều đình để giữ vững bờ cõi ta. Ngươi đối với các nước man Xiêm, Lạp, nhân vật phong tục, núi sông chỗ hiểm, chỗ bằng,đã quen thuộc lắm, cho nên giao cho ấn bảo hộ Chân Lạp, coi việc ngoài biên, từ lâu đến nay thực cũng xứng chức. Thế mà vua Phiên tính vốn ngu tối, xưa vì còn ít tuổi ưa nghe người xấu nên cùng ngươi từng có khi không hợp ý. Trẫm biết lòng ngươi không yên, lấy cớ tuổi già mà cầu tránh trách nhiệm. Song nghĩ vua Phiên nay đã trưởng thành,được ngươi là người ngay thẳng, không nghĩ đến ác cảm cũ, mà cùng nhau mài giũa thấm thía, hoặc giả biết tự hối mà sửa chữa lỗi trước, có thể khiến thành người tốt mà còn trông cậy được. Huống chi đại thế nước Phiên, tuy đã thanh bình, nhưng trong đó công việc liên miên phức tạp, chưa được đâu ra đấy. Ngươi nên trước hết lưu tâm về việc cần cấp của nước nhà, tuỳ nghi xếp đặt cho được ổn thoả, hà tất bận lòng vì sự hiềm nhỏ”(ĐNTL, VI, 76, 1822).

Thế mà sau khi ông nằm xuống, công đã trở thành tội:

Nay lũ ngươi Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân phàm những việc có quan hệ đến mềm dẽo để lấy lòng thuộc quốc,đề phòng chế ngự nước láng giềng thì nên cùng lòng bàn bạc làm cho đúng sự cơ, không nên khinh suất như thế. Nếu có điều gì nên làm, thì đừng chậm trễ lỡ việc. Lại nữa, trước kia, Nguyễn văn Thoại và Bùi Đức minh, rông rỡ làm liều, không giữ thể diện,đến nỗi tự chuốc lấy tội lỗi”…(ĐNTL,XI,284,1832)

Khi viên Hình tào Võ Du cáo gian Bảo Hộ Thoại lúc sinh thời ngày thường bắt dân Phiên đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền gạo, lại bắt dân Phiên làm việc tư, sửa đắp đường cái để đưa đám chôn cất vợ, Minh mệnh lập tức xuống chỉ:

Nay Thoại đã chết rồi, lại nghĩ ngày trước hãy có chút công lao ở Vọng Các, lòng trẫm không nỡ vậy gia ơn chỉ truy giáng Thoại xuống hàm chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con hắn, duy các sắc tặng phong cha mẹ thì được miễn cho. Còn tang vật mà Thoại đã sách nhiễu dân Phiên thì truy ra rồi lấy gia sản kẻ phạm tội ấy mà truy cấp cho dân  Phiên”(ĐNTL, XI, 88, 1832).

Đến khi có biểu của vua Chân lạp xác nhận:

Năm trước có việc đi lấy gỗ táu đem nộp thì dân Phiên đã lãnh tiền và gạo của nhà nước cấp rồi”

Biết là Thoại Ngọc Hầu bị vu oan nhưng Minh Mệnh vẫn cố tình kết án:

Nguyễn văn Thoại dẫu không can vào việc này, nhưng sai dân Phiên làm việc riêng sửa mộ,đắp đường cũng là đáng tội, vậy cứ chuẩn y nguyên án”(ĐNTL, XI, 89).

Bộ Hình nghị xử Võ Du tội đồ, nhưng Minh Mệnh lại nương nhẹ đặc cách cho cách chức, phát đi Cam Lộ gắng sức làm việc để chuộc tội.

Một người không có tội bị làm cho ra tội, ô uế danh tiết, tan cửa nát nhà, một kẻ vu oan đáng trị tội đến mức nặng nhất thì Minh Mệnh lại nương tay, cho thấy rõ việc làm của nhà vua không phải là vô tình, mà có chủ đích.

Ngao ngán trước trò đời bạc bẽo, Nguyễn văn Hầu khi viết về cuộc đời Thoại Ngọc Hầu đã dẫn lời Ngạc Xuyên viết năm 1943 để bày tỏ nỗi bất bình của mình:

Đọc đoạn cuối cùng trong tiểu sử, chúng ta bắt đau lòng trông thấy vết lọ mà kẻ nha thuộc bôi lên danh dự của ngài. Chúng ta bắt ngậm ngùi hồi tưởng lại công nghiệp vĩ đại của ngài, mà khi quá cố không được đấng chí tôn soi xét, rồi tự hỏi: “Oan hồn Ngài có ngậm tủi tự chốn tuyền đài chăng?”(NVH, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang, NXB Trẻ, tr 302).

Than thở như thế là chỉ thấy tội của Võ Du mà không thấy đòn phép của Minh Mệnh, không phải đấng chí tôn không soi xét đến vụ án, cũng không phải đấng chí tôn dùng ngọn đèn tù mù để soi xét mà ngài dùng ý đồ của mình để xét vụ án. Thoại Ngọc Hầu bị xử oan như thế không phải vì  ông có lỗi, chuyện bịa đặt của Võ Du chỉ là cái cớ để Minh Mệnh triệt tiêu ảnh hưởng của Thoại Ngọc Hầu, ông có tội chỉ vì công nghiệp của ông quá lớn, ảnh hưởng của ông quá sâu ở cõi biên thuỳ, đó mới là điều Minh Mệnh quan tâm. Đọc đoạn tấu sau đây ta sẽ thấy rõ chân tướng đố kỵ của Minh Mệnh và triều đình nhà Nguyễn với Nguyễn Văn Thoại: “Quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân đưa thư đến quan Bảo Hộ Nguyễn Văn Thoại nói rằng: “Nước ấy ông cháu cha con đời đời làm phiên thuộc, trên nhờ triều đình bồi đắp, giữ được nhân dân, dưới có Thoại trước sau bảo hộ, trừ nạn nước Xiêm, dẹp yên giặc Kế, kể công gấp mười Mạc Thiên Tứ, xin cắt đất ba phủ Lợi-ỷ bát, Chân sâm, Mật luật để báo đức của Thoại, cũng như việc cũ báo Mạc THiên Tứ.”

Thoại đem thư ấy báo cho thành Gia Định biết. Thành thần đem việc tâu lên. Vua hạ lệnh cho  đình thần đều lấy ý riêng mình mà bàn kỹ  tâu lên. Bọn Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hữu Thận cho rằng: “Đất đai Chân Lạp là bờ cõi của triều đình, Thoại dẫu có hiền tài và khó nhọc cũng là phận sự người bầy tôi mà thôi. Chân(Lạp)! sao được cắt đất để đền ơn riêng. Thoại sao được tự lấy làm công của mình mà nhận báo ơn”(TL,VII, tr.40).

Mặc dầu Thoại Ngọc Hầu chết đã ba năm, nhưng ảnh hưởng của Thoại Ngọc Hầu đối với An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên càng ngày càng đậm, tận đáy lòng dân, người ta nhớ những con kênh ông đào, những ngôi làng ông lập, những ngôi chùa ông dựng, ảnh hưởng của ông không chỉ dừng lại nơi những cánh đồng xanh tốt, những ngôi chợ đông đúc mà còn bàng bạc nơi cõi tâm linh, đó là một lãnh địa đáng sợ mà Minh Mệnh với trực giác của người muốn bảo vệ cơ đồ không muốn để di hoạ làm nơi béo tốt cho con cháu Thoại Ngọc Hầu khai thác, khởi nghiệp, cho nên bằng mọi cách Minh Mệnh phải thi hành chính sách triệt hậu “thà phụ người chứ không để người phụ mình”.


Nguyễn Thiếu Dũng