Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa qua các nguồn thư tịch
Tác giả: Ngô Văn Minh
Người gửi: Ẩn danh
Nguồn: Cadn.com.vn
Số trang: 3
Giới thiệu: Có nhiều, rất nhiều tài liệu của Việt Nam và phương Tây khẳng định một cách rõ ràng, chắc chắn Việt Nam đã phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Vương quốc Chămpa và tiếp tục hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII. Trung Quốc không tìm đâu ra được nguồn thư tịch khẳng định rõ ràng cho tuyên bố chủ quyền đối với "Biển Nam Trung Hoa"

Có nhiều, rất nhiều tài liệu của Việt Nam và phương Tây khẳng định một cách rõ ràng, chắc chắn Việt Nam đã phát hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Vương quốc Chămpa và tiếp tục hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII.

Trung Quốc không tìm đâu ra được nguồn thư tịch khẳng định rõ ràng cho tuyên bố chủ quyền đối với “Biển Nam Trung Hoa”

Trung Quốc luôn khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với gần như toàn bộ biển Đông. Thế nhưng, khi bị các nước trong khu vực này phản đối thì họ luôn tìm cách né tránh việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức đàm phán hoặc trọng tài quốc tế. Với Việt Nam, lần đầu tiên vào ngày 4-1-1932, khi Chính phủ Pháp lấy tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre gửi công hàm tới Công sứ quán Trung Quốc tại Paris khẳng định quyền quản lý của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc đã khước từ. Lần thứ hai vào ngày 14-1-1947 Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhắc lại đề nghị tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn không chấp nhận. Cả đến năm 1977, tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Phan Hiền, Trưởng đoàn Việt Nam bác bỏ vu cáo của phía Trung Quốc đối với việc hải quân nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời cũng đề nghị Trưởng đoàn Trung Quốc Hàn Niệm Long đưa vấn đề hai quần đảo này vào chương trình nghị sự, nhưng phía Trung Quốc từ chối. Với Philippines, khi nước này vào ngày 22-1-2013 thông báo đã chính thức kiện cái gọi là “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại một tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng ngày 19-2-2013 Trung Quốc cũng đã bác bỏ đề xuất này của phía Philippines. Câu trả lời cho những lần né tránh đó của phía Trung Quốc chính là vì nước này tự biết mình không có cơ sở pháp lý với những gì đã tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cũng như với gần 80% diện tích biển Đông nằm trong “Đường lưỡi bò” mà họ muốn là của mình.

Hoang trieu truc tinh địa dư bản đồ

 Mặc dù người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn tuyên bố chứng cứ về “chủ quyền không thể chối cãi” và một số học giả Trung Quốc cố ngụy biện ra sử liệu, nhưng cũng chính họ tự biết rằng điều đó sẽ rất bất lợi khi đã ra trước tòa án phân xử của quốc tế. Bởi không chỉ bản đồ cổ mà cả thư tịch của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. 

Các triều đại phong kiến Trung Quốc đều đưa vào trong bộ chính sử của mình như Hán thư, Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Hoàng triều thông điển (đời nhà Thanh) chương viết về địa lý và giới hạn cương vực của Trung Quốc, hoặc có sách riêng gọi là “Dư địa chí”. Các bộ sách này đều do quan chức hai viện Hàn lâm, Quốc sử quán triều đình biên soạn và được trình lên vua ngự lãm (phê duyệt). Có những bộ như Đại Minh nhất thống chí (Dư địa chí nước Đại Minh thống nhất) và Đại Thanh nhất thống chí (Dư địa chí nước Đại Thanh thống nhất) còn có lời tựa của nhà vua. Những bộ địa chí này viết về đặc điểm địa lý Trung Quốc theo từng đơn vị hành chính, cho đến cấp huyện. Trong đó ghi chép rất tỷ mỉ về núi sông phủ Quỳnh Châu (đảo Hải Nam), cho đến cả gò nổi trên sông, khe động, hang núi …, nhưng không có câu chữ nào ghi rằng biển Nam Trung Hoa với hai quần đảo “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” mà nay Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Giới hạn cực Nam lãnh thổ Trung Quốc trong các sách này là bờ biển Nhai Châu, đảo Hải Nam. Vào cuối đời nhà Thanh, điểm cực Nam còn được xác định chính xác tại tọa độ 18o13 Bắc (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh nước ta). Trong khi đó, quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc tự gọi là Tây Sa) thì nằm ở 17o15 Bắc (ngang với Huế và Đà Nẵng).

Ngoài những cuốn địa chí chính thức trên, các sách địa chí thông thường do học giả soạn, như Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc sử, Phương dư thăng lãm của Chúc Mục, Dư địa quảng ký của Âu Dương Mâu đời Tống; Lịch đại cương vực biểu của Hoàn Trường Cơ đời Minh; Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viên Vũ, Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ, Quảng dư ký của Dương Bá Sinh (1808), Hoàng triều dư địa lược của Nghiêm Đức Chỉ (1834), Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư của Đồ Ký đời Thanh cũng đều viết cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, chứ không bao gồm bất kỳ quần đảo nào ở biển Nam Trung Hoa cả. Ngay cả Quỳnh Châu phủ chí (Địa chí phủ Quỳnh Châu, nay là tỉnh Hải Nam) do Minh Nghi soạn năm 1841 cũng chép về cương vực phủ này tương tự Quảng Đông thông chí: “Quỳnh Châu ở trong biển. Đông Tây cách nhau 970 dặm, Nam Bắc cách nhau 975 dặm. Từ Từ Văn (một huyện ở cực Nam bán đảo Lôi Châu) qua biển một nửa ngày có thể đến. Quỳnh là nơi đô hội, ở phía Bắc đảo. Đảm (châu) ở biên thùy phía Tây, Nhai (Châu) ở biên thùy phía Nam. Vạn (châu) ở biên thùy phía Đông. Đông Lê bao bọc bên trong. Muôn núi trập trùng. Bên ngoài biển cả bao quanh. Nơi xa tiếp giáp các đảo Di”. 

Những trích dẫn trên cho thấy thư tịch của Trung Quốc không hề khẳng định “Thiên Lý Trường Sa” và “Vạn Lý Thạch Đường” là của nước này. Đã thế, còn có trường hợp xác định nó thuộc về nước ngoài (các đảo Di), hoặc nói rõ nó thuộc về Việt Nam, như cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi đời Nam Tống viết: “Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Thời nhà Thanh, nhà sư Thích Đại Sán quê ở huyện Cửu Giang, tỉnh Chiết Giang trong cuốn Hải ngoại kỷ sự (1695) thuật lại chuyến hải hành đến Thuận Hóa cũng ghi nhận chủ quyền của Đại Việt thể hiện ở việc Chúa Nguyễn “hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào”. Hoặc trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: “Vạn Lý Trường Sa là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.

Hơn thế nữa, vào năm 1895 có tàu Bellona của Đức và năm sau 1896 chiếc tàu Imezi Maru của Nhật đều đắm ở gần quần đảo Hoàng Sa, bị những người đánh cá ở đảo Hải Nam cướp lấy hàng hóa rồi dùng thuyền buồm vận chuyển đến đảo Hải Nam bán lại cho các chủ tàu thuyền. Các công ty bảo hiểm của hai chiếc tàu này phản đối nhưng Thanh triều trả lời không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của mình.

Rõ ràng, Trung Quốc chỉ có khẳng định suông chứ không dám đưa vấn đề ra phân xử tại tòa trọng tài quốc tế, chỉ vì một nỗi “Mở miệng mắc râu, mở bầu mắc quai”.

Việt Nam hành xử chủ quyền đối với Hoàng Sa chậm nhất cũng từ đầu thời các chúa Nguyễn

Từ thế kỷ XVI trở về trước đã có những nhà hàng hải phương Tây ghi chép trên bản đồ vùng các quần đảo giữa Biển Đông hiện nay là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa), Pulo Capaa (đảo của Chămpa), cũng như trên bản đồ Biển Đông (Sinensis Oceanus) của anh em Van Langren người Hà Lan in năm 1595, trên bờ biển ở khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi hiện nay có ghi dòng chữ Costa de Pracel (bờ biển Pracel). Điều đó cho thấy, họ đã xác nhận vùng quần đảo này thuộc chủ quyền của Vương quốc Chămpa. Với nguồn thư tịch của Việt Nam thì Toàn tập An Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá soạn theo chỉ thị của chúa Trịnh Căn, trong đó đoạn thứ nhất của lời chú về Bãi Cát Vàng lại được ông trích từ phần thứ ba của Hồng Đức bản đồ nên nó cho thấy, người Việt đã biết, hay là đã tiếp quản quần đảo Hoàng Sa từ Vương quốc Chăm khi vua Lê Thánh Tông thực hiện cuộc nam chinh và lập ra đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào năm 1471. Sách này viết: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”. Như vậy, không chỉ có phát hiện và đặt tên nôm Bãi Cát Vàng, điều quan trọng là người Việt đã hành xử chủ quyền trên đó. Đến năm 1776, khi đang giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục mô tả tỉ mỉ hơn về vị trí địa lý, sản vật của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng của đội Hoàng Sa. Ông viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi mang lương đủ ăn 6 tháng đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa hoa bạc, tiền bạc hòn bạc, đồ đồng khối thiết, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về vào cửa Eo [Thuận An], đến thành Phú Xuân để nộp…”. Lê Quý Đôn chưa cho biết thời gian cụ thể lập đội Hoàng Sa thì chính lá đơn của cai đội phường Cù lao Ré, xã An Vĩnh (thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay) viết vào ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1776) cho biết: “Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi Đốc chiến Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với nhân số 30 người… Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ… Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mang ơn”. Năm Tân Mùi là năm nào? Nếu ngược lại 60 năm thì đó là 1691, nhưng vì Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư viết năm 1686 đã cho biết ở thời điểm này các chúa Nguyễn hằng năm đưa 18 chiếc thuyền ra Bãi Cát Vàng khai thác rồi, thế thì phải ngược thêm 60 năm nữa, tức là vào năm 1631 dưới thời chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635). Còn thông tin Đội Hoàng Sa “đến kỳ tháng 8 thì về vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp” sản vật trong Phủ biên tạp lục, thì được xác nhận bởi lá đơn của phường Mỹ Toàn tranh kiện phường An Bằng về việc kéo được một chiếc thuyền của đội Hoàng Sa bị dạt vào gần bờ biển của hai phường này vào năm Mậu Dần [1758] (nay thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), có lời phê của Thuận Đức Hầu là tuần quan cửa Biện Hải [tức cửa Tư Hiền] vào ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 [1759] .

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn còn có những mô tả kỹ càng về quần đảo Trường Sa và xác định nó gần xứ Bắc Hải (tức vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa hiện nay) và chúa Nguyễn đã cho lập thêm đội Bắc Hải gồm những người thôn Tứ Chánh ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương sung vào để đi đến “các xứ Bắc Hải, Cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của các tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai cơ Hoàng Sa kiêm quản”. 

Các tài liệu của phương Tây cũng ghi nhận chủ quyền của Đàng Trong đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhật ký của tàu Amphitrite chở các giáo sĩ Pháp đi qua quần đảo Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1701 ghi rõ: “Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam”. John Barrow là phái viên của phái bộ Macartney đi từ Anh tới Trung Quốc cũng ghi chép lại trong Một chuyến du hành tới Đàng Trong vào những năm 1792 – 1793 (xuất bản tại London vào năm 1806) rằng: “Các thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels, thuộc nhiều kiểu dáng khác nhau”.

Sự hành xử của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trích dẫn trong các nguồn sử liệu trên cho thấy nó không do tự phát của người dân mà đã ở tầm nhà nước phong kiến bấy giờ là các chúa Nguyễn đang trị vì ở Đàng Trong. Các Chúa Nguyễn chủ trương lập hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải, bổ nhiệm chỉ huy đội kiêm chức vụ cai đồn cửa biển Sa Kỳ cùng chức Thủ ngự trông coi. Nó không chỉ được ghi chép bởi những cá nhân mà còn được đưa vào Đại Việt sử ký tục biên, là một bộ tín sử Việt Nam thời Hậu Lê và được chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775. Sau đó còn được Quốc sử quán Triều Nguyễn đưa vào sách Đại Nam thực lục tiền biên (viết về thời các chúa Nguyễn, quyển X) với nội dung như Lê Quý Đôn đã viết. Sự hành xử này được tiếp tục đến thời Tây Sơn, và như một văn bản nữa đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (niên hiệu của vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc vào năm 1786) cũng được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thì người chỉ huy đội Hoàng Sa thời Tây Sơn có tước hầu, còn người ra chỉ thị là quan Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công của chính quyền Tây Sơn. Sự hành xử này lại diễn ra hòa bình và liên tục kể cả trong thời gian có nội chiến Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn mà không gặp phải sự phản kháng nào của các quốc gia khác. Lê Quý Đôn cho biết có trường hợp những người đi tìm hóa vật ở Hoàng Sa bị bão trôi dạt vào đất Trung Quốc được quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu (Trung Quốc) trả về nguyên quán mà không một lời khiển trách nào, chứng tỏ phía Trung Quốc đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của chúa Nguyễn đối với quần đảo này.

PGS, TS Ngô Văn Minh