Sau thời cực thịnh Lê Thánh Tông, các ông vua Lê về sau như Lê Uy Mục hay Lê Tương Dực thay nhau đập phá di sản ông cha. Kết cục là một viên võ quan biết chớp thời cơ để kiến lập một triều đại mới. Đó chính là Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) – người sáng lập ra nhà Mạc, sau khi ông ép vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi.
Thời kỳ này trong lịch sử Việt Nam còn goi là thời kỳ Nam-Bắc triều, do chính quyền nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, còn từ Thanh Hóa trở vào là của các thế lực “phù Lê diệt Mạc” kiểm soát. Vì vậy nhà Mạc bị kẹp giữa một bên là các thế lực Nam triều với một bên là nhà Minh (Trung Quốc) ở phía Bắc.
Nhà Mạc mất khi bị quân đội Lê-Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào tháng 2 năm 1593.
Vận số của nhà Mạc tuy không dài nhưng nó cũng đủ để lưu lại cho đời sau những bài học lịch sử đáng suy ngẫm. Trước đây, các sử gia coi nhà Mạc là một triều đại không chính thống (ngụy triều), nhưng giờ đây quan điểm này đã thay đổi, nhà Mạc được nhìn nhận bình đẳng với các triều đại chính thống khác, cũng như thừa nhận những đóng góp và công lao của nhà Mạc đối với đất nước và dân tộc.