Nguyễn Khắc Thuần là nhà sử học, là một giảng viên đại học ở Việt Nam (hiện là trưởng khoa Việt Nam học Đại học Bình Dương) và là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa. Ông có hai bộ sách được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.
Trước khi tham gia vào lĩnh vực sử học, ông từng ở trong quân đội, làm việc tại báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh cùng với Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy. Sau năm 1975, ông vào làm giảng dạy về lịch sử, văn hóa trong ngành sư phạm. Ông từng là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông hiện nay là trưởng khoa Việt Nam học của trường Đại học Bình Dương.
Các tác phẩm chính
Việt sử giai thoại, 8 tập - Nhà xuất bản Giáo dục
Danh tướng Việt Nam, 5 tập - Nhà xuất bản Giáo dục
Thế thứ các triều vua Việt Nam
Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam
Các đời đế vương Trung Hoa - Nhà xuất bản Giáo dục
Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập)
Trông lại ngàn xưa (3 tập)
Giai thoại dã sử Việt Nam
Các tác phẩm dịch và hiệu đính
Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn
Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn
Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn
Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn
Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả - Vũ Thế Dinh
Ô Châu cận lục, Dương Văn An
Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái
Kỷ lục Việt Nam
Đầu tháng 11/2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã đạt kỷ lục Việt Nam cho hai nội dung sau:
Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện (Bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập - 8 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Công trình lớn nhất về lịch sử văn hoá Việt Nam do một người biên soạn (Bộ sách Đại Việt sử lược - 5 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Giới thiệu:VIỆT SỬ GIAI THOẠI là bộ sách khai thác những ghi chép của các bộ chính sử xưa. Như bạn đọc đã biết, để viết về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương, các bộ chính sử xưa đã dựa chủ yếu vào dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Hẳn nhiên, truyền thuyết dân gian không phải là sử nhưng truyền thuyết dân gian bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở của một sự thực lịch sử nào đó. Một khi trong tay mình có đầy đủ những tài liệu mà chính sử xưa đã khai thác, chúng tôi nghĩ rằng, tốt nhất là mình hãy tự giới thiệu lấy, không nên trích lục những gì mà chính sử xưa đã trích lục. Xưa nay, tam sao thất bản vốn là chuyện chẳng hay. Từ cách nghĩ này, chúng tôi đã viết một số giai thoại trên cơ sở trích dịch một số sách như : Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập ...v.v.