Ngô Đình Diệm (chữ Hán: 吳廷琰; 3 tháng 1 năm 1901 – 2 tháng 11 năm 1963) là một chính khách Việt Nam Cộng hòa. Ông từng làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại, sau đó làm Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam, rồi trở thành Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955 sau khi thành công trong việc phế truất quốc trưởng Bảo Đại, cho đến khi bị đảo chính lật đổ vào năm 1963. Ông cũng là lãnh tụ của Đảng Cần lao Nhân vị, Đảng cầm quyền chính thức của miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Là một lãnh đạo theo Công giáo La Mã, ông bị những người theo Phật giáo phản đối vì cáo buộc thực hiện chính sách thiên vị Công giáo. Ông cũng bị cáo buộc thiết lập chế độ gia đình trị với những người nhà của ông nắm các vị trí chủ chốt trong chính quyền. Tháng 11 năm 1963, sau một loạt các vụ biểu tình bất bạo động để phản đối của Phật giáo gây ra những bất ổn xã hội nghiêm trọng, Ngô Đình Diệm cùng em trai của mình là Ngô Đình Nhu đã bị ám sát trong một cuộc đảo chính năm 1963 do các tướng lĩnh dưới quyền thực hiện, với sự hậu thuẫn của Chính phủ Hoa Kỳ.
Ngô Đình Diệm là một nhân vật quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Một số sử gia coi ông là độc tài và gia đình trị, trong khi đó một số sử gia khác coi ông là nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc mang nặng truyền thống phong kiến Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng Ngô Đình Diệm là người tự cho rằng mình đang gánh vác một “Thiên mệnh” (Mandate of Heaven – khái niệm để chỉ quyền lực do trời ban của vua chúa phong kiến), ông cũng có các kế hoạch riêng về nền chính trị ở miền Nam Việt Nam.