La Sơn phu tử (1723-1804) là nhà Nho nổi tiếng của Đại Việt thế kỷ XVIII-XIX, cụ họ Nguyễn, húy Minh, tự Quang Thiếp. Đời chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là quốc húy nên cụ bỏ chữ đệm, lấy tên là Nguyễn Thiếp. Cụ có tư chất thông minh lại sinh trưởng trong đại gia đình có học, có của. Cụ có ra làm quan nhưng rồi từ quan, dứt đường công danh, cử nghiệp và xoay ra chí ẩn dật. Một ông lão tưởng như giữ thái độ vô vi khi vận nước rối bời lại có những liên quan mật thiết với thời cuộc, với những nhân vật lịch sử nổi tiếng đương thời…
Cuộc đời La Sơn phu tử trong cuốn sách cùng tên được học giả Hoàng Xuân Hãn phục dựng rất chi tiết, qua những khảo cứu tư liệu công phu bạn đọc sẽ nhìn thấy rất rõ hành trạng của nhân vật lịch sử sống cách chúng ta hơn 200 năm. Tầm vóc và nhân cách của vị phu tử đất La Sơn được học giả Hoàng Xuân Hãn mô tả rất rõ thông qua mối quan hệ của cụ với vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ ba lần gửi thư mời, ba lần La Sơn phu tử từ chối.
Một giai đoạn lịch sử đau đớn của dân tộc được khắc họa rất rõ ràng qua những thư từ qua lại của hai nhân vật lịch sử của chúng ta. Với cá nhân La Sơn phu tử và có lẽ là phần nào đó giới sĩ phu Bắc hà, phía nam sông Gianh là đất của “quý quốc” (“Mùa xuân năm ngoái, hai quan ở quý quốc đem thư mời và lễ vật lại, chịu khuất mình rất kính cẩn…”), của Tây Sơn, không phải của nhà Lê. La Sơn phu tử là bậc đại Nho, khi đối diện với chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Huệ, cụ vẫn một mực kiên trì tấm lòng trung nghĩa với vua Lê.
Có sự chuyển biến tư tưởng lớn nơi La Sơn phu tử kể từ lúc quân Thanh kéo tràn vào đất Bắc: cụ hiến kế đánh giặc, thư trả lời cụ đề niên hiệu Quang Trung chứ không còn Cảnh Hưng hay Chiêu Thống nguyên niên nữa, thư dùng chữ “cẩn tấu” trước đó cụ cố tình tránh đi, xưng tiện thần, gọi hoàng đế. Cụ đã thực sự nhận thấy thời khắc lịch sử sắp sang trang; cụ chấp nhận một thực tế rằng mặt trời nhà Lê phủ bóng suốt hơn 200 năm qua đã đến lúc hoàng hôn, lụi tàn…