Kỳ Ngoại hầu – Cường Để (chữ Hán: 畿外侯•彊㭽; 1882 – 1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu bốn đời của Nguyễn Phước Cảnh), và là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông nguyên tên là Nguyễn Phúc Dân (阮福民), ấu danh Mệ Cưởi, sinh ngày 11 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (tức 28 tháng 2 năm 1882) tại Huế, là con của Hàm Hóa Hương công Nguyễn Phúc Tăng Du. Ông là cháu đích tôn năm đời của vua Gia Long, là cháu trực hệ của Hoàng tử Cảnh. Do Hoàng tử Cảnh mất sớm, tổ phụ ông là Hoàng tôn Đán bấy giờ còn nhỏ tuổi, ngôi vua truyền cho dòng thứ 2 là Hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng.
Vì là dòng dõi chính thống trong Hoàng tộc nên nhiều nhà ái quốc như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đã có kế hoạch liên lạc với gia đình ông để lập lại ngôi vua, thay cho vua Khải Định vì vị vua này hợp tác với thực dân Pháp. Tuy nhiên vì lý do tuổi già, cha ông từ chối, nhưng giới thiệu ông thay mặt gia đình tham gia phong trào. Biệt danh Nguyễn Trung Hưng (阮中興) của ông có từ đó. Khi Phan Đình Phùng mất, khả năng đấu tranh bằng lực lượng vũ trang cũng không còn, ông chuyển sang hoạt động chính trị.
Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt, bị an trí ở Bến Ngự. Cường Để tiếp tục làm Hội chủ Việt Nam Quang Phục Hội cho đến năm 1939, và Quang Phục Hội được cải tổ thành Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, thường được gọi tắt là Việt Nam Phục Quốc hội. Tại Việt Nam những người đấu tranh cho độc lập dân tộc đã hình thành nên phong trào Cường Để vào những năm 1940 chủ yếu hoạt động ở miền Trung gồm có cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Di, Kỹ sư Vũ Văn An.
Thời cuộc đã không ủng hộ Cường Để khi Nhật bắt tay với Pháp, bỏ rơi Kiến quốc quân khiến Trần Trung Lập hy sinh ngày 26/12/1940 tại Lục Bình, Lạng Sơn. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ai cũng tưởng Nhật đưa Cường Để về làm vua nhưng Nhật lại dùng lá bài Bảo Đại nên phong trào Cường Để dần suy tàn.
Ông mất ngày 6 tháng 4 năm 1951, tại Tokyo, Nhật Bản, do bệnh ung thư gan. Tên ông từng được đặt cho một con đường tại Quận 1, Sài Gòn trước năm 1975.