Dân chủ hóa là một từ trong khoa học chính trị và xã hội học để chỉ những thay đổi về mọi mặt trong xã hội, với mục đích là để thay thế những cấu trúc xã hội độc đoán, tập trung quyền lực vào một nhóm người bằng một hệ thống mà người dân có thể kiểm soát quyền lực, góp tiếng nói, cùng quyết định một cách tự do và như vậy đưa tới một xã hội công bằng hơn.
Dân chủ hóa theo nghĩa chính trị là việc chuyển đổi sang chế độ chính trị dân chủ hơn. Nó có thể là sự chuyển đổi từ một chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, một quá trình chuyển đổi từ một độc tài sang một bán dân chủ hay chuyển đổi từ một bán độc tài thành một chế độ dân chủ.
Theo xếp hạng theo Chỉ số dân chủ năm 2012 do Tạp chí Economist tiến hành, Việt Nam đứng thứ 144 trên tổng số 167 quốc gia trong xếp hạng. Theo danh sách của tạp chí này, Việt Nam nằm trong nhóm chính phủ độc tài thiếu dân chủ. Trong nhiều năm, bộ ngoại giao Mỹ cũng xếp Việt Nam vào nhóm nước “chưa có dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tôn giáo”. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW, trụ sở tại Mỹ, vào năm 2017, 79% người Việt được thăm dò trả lời là “ủng hộ dân chủ vừa phải” và có 29% người Việt Nam xem chính quyền quân sự là thể chế “rất tốt”, 41% coi là “hơi tốt” và 3% xem là “rất xấu”.
Những năm đầu 1990, Việt Nam thực sự đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Dưới sức ép của quốc tế, đồng thời muốn tham gia cộng đồng quốc tế, tham gia WTO, Việt Nam ký kết một loạt các công ước quốc tế về Nhân quyền và dân chủ. Sau khi Việt Nam ký kết Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Chương trình hành động Vienna 1993, Việt Nam tiến hành sửa đổi Hiến pháp (1992), công nhận các quyền con người theo các thỏa thuận đã ký. Nếu so sánh với tiêu chuẩn của hệ thống dân chủ phương Tây, Việt Nam hiện có nhiều vấn đề trong thực thi dân chủ theo các cam kết mà Việt Nam đã ký. Trước hết là quyền tự do bầu cử, lựa chọn ứng cử viên. Tiếp đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí và truy cập thông tin theo nhiều nguồn, quyền tự do tôn giáo.
Theo điều 4 Hiến pháp hiện hành, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của xã hội. Theo Hiến pháp thì người dân Việt Nam bầu ra Quốc hội là những người đại diện cho dân, các đại biểu Quốc hội sẽ bầu ra chủ tịch nước và chính phủ. Tuy nhiên, do cơ chế quy hoạch và hiệp thương đại biểu, nên có nhiều vấn đề trong việc lựa chọn ứng cử viên. Các ứng cử viên thường nằm trong danh sách do trên quy hoạch đưa xuống. Do đó, đa số Đại biểu quốc hội, cũng như các chức danh trong Chính phủ, quản lý cấp trung ương tới địa phương đều là theo quy hoạch, là Đảng viên Đảng Cộng sản. Do vậy dân chủ ở Việt Nam được cho là chỉ tồn tại trên danh nghĩa và không có trong thực tế.
Sau Cải cách ruộng đất từ 1953-1956, miền Bắc Việt Nam đã nhen nhóm những tiếng nói đòi quyền tự do trong đời sống xã hội, như Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm nhưng đã thất bại. Sau 1975, khi đất nước thống nhất, cả nước theo Chủ nghĩa Xã hội, một số phong trào chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn còn tại miền Nam, do các cá nhân của chế độ Việt Nam cộng hòa thực hiện, tuy vậy tất cả đều thất bại. Đặc biệt là bắt đầu từ quá trình “mở cửa”, “đổi mới” được bắt đầu 1985-1986, các cá nhân và tổ chức đấu tranh vì dân chủ trong nước bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, khi chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới bị sụp đổ, phong trào dân chủ bắt đầu hình thành….
(…theo Wikipedia)