Chăm Pa độc lập được từ năm 192, phát triển cho đến thế kỷ thứ 10 thì bắt đầu suy yếu, đến năm 1832 thì hoàn toàn mất nước.
Năm 1793, phiên vương Thuận Thành là Tá (gọi theo Tiền Biên; tên Chăm: Po Tithun da parang) theo phe Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh cho tướng người Chăm của phe mình là Thôn Bá Hú (tức Nguyễn Văn Hào, gọi theo Tiền Biên, tên Chăm: Po Lathun da paguh) làm Chánh trấn Thuận Thành và trong năm 1794 đặt chế độ chánh trấn và phó trấn và bỏ chế độ phiên vương.
Năm 1832, nhân dịp có cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở phía Nam người Chăm lại nổi dậy chống lại vua Minh Mạng nhưng không thành công. Chính quyền tự trị hạn chế của người Chăm chấm dứt tồn tại vào năm 1832, khi Hoàng đế Minh Mạng đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Lịch sử vương quốc Chăm Pa chính thức dừng lại ở đây.
Các nguyên nhân suy vong của Vương quốc Chăm-pa:
- Chính sách Nam tiến của dân tộc Việt
- Làn sóng người Việt di dân. Lợi dụng sự hiện diện của người Việt trên lãnh thổ Chăm Pa, chúa Nguyễn bắt đầu can thiệp vào nội bộ của vương quốc này với danh nghĩa là bảo vệ quyền lợi cư dân người Việt. Sau đó, chính những cư dân Việt này tham gia vào các cuộc chiến tranh với Chăm Pa
- Mất liên lạc với thế giới. Trước năm 1471, Chăm Pa là hải cảng quan trọng trên đường hàng hải nối liền biển Nam Hải và Ấn Độ Dương, cũng là nơi tập trung nhiều tàu bè của các thương thuyền quốc tế. Sau khi thất thủ Đồ Bàn năm 1471, thất thủ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên ngày nay) năm 1611, và Nha Trang vào năm 1653, các tàu bè quốc tế không còn ghé bến Chăm Pa nữa.
- Chính sách ngoại giao Việt – Chăm: Năm 1301, nhân dịp viếng thăm Chăm Pa, thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (khu vực tỉnh Thừa Thiên). Đối với Chăm Pa đây là món quà sính lễ quá đắt.
- Thể chế liên bang lỏng lẻo: Trong khi Đại Việt là một thể chế quân chủ tập quyền thì Chăm Pa không phải là quốc gia thống nhất, trung ương tập quyền, mà là một vương quốc liên bang lỏng lẻo với năm tiểu vương quốc đó là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Mỗi tiểu vương quốc có vua chúa riêng, hành chánh riêng và cách điều hành riêng.