Cộng đồng người Campuchia gốc Việt là dân tộc thiểu số lớn nhất tại Campuchia. Theo RFA, năm 2016 cộng đồng người Campuchia gốc Việt có khoảng 156,000 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp với VN, tại thủ đô PhnomPenh và tỉnh SiamReap nhưng theo CIA thì người Việt ở Campuchia chỉ khoảng 0,1% tức khoảng 16,000 người.
Người Việt đã bắt đầu định cư trên đất Campuchia từ thời các chúa Nguyễn vào khoảng giữa thế kỷ 17, khi Chân Lạp suy yếu vì nội chiến và bị Xiêm xâm lược, các chúa Nguyễn đã dùng nhiều cách như hôn nhân chính trị, áp lực ngoại giao cùng thế mạnh quân sự, để dần dần sáp nhập vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vào xứ Đàng Trong, đặt ra phủ Gia Định. Đến thời Minh Mạng người dân Campuchia liên tục nổi dậy, lại có triều đình Xiêm hậu thuẫn, nhà Nguyễn phải rút khỏi Campuchia để lại một số lượng đáng kể người Việt đã chuyển đến đất này sinh sống. Đến thời Tự Đức có thêm nhiều người Việt theo Thiên Chúa Giáo đến đây lánh nạn do chính sách cấm đạo hà khắc của nhà Nguyễn. Dưới thời Pháp thuộc, phần lớn phu phen trong các đồn điền cao su của Pháp là người Việt được mộ sang làm lao công. Người Việt cũng là thành phần công chức cấp dưới trong chính quyền thuộc địa Đông Pháp cùng những tư chức trong các hãng xưởng. Năm 1936 chính phủ thuộc địa Pháp ghi nhận có 191,000 người Việt sinh sống trên đất Campuchia.
Theo ước tính của học giả người Mỹ Donald J. Steinberg thì vào thời điểm năm 1950 có 291,596 người Việt (chiếm hơn 7% tổng dân số Campuchia) sinh sống trên đất Campuchia. Họ tập trung ở Phnôm Pênh và các tỉnh miền đông như Prey Veng, Kandal, Kampong Cham và Kampong Chhnang. Đến năm 1971 người Việt bị các chế độ Cộng hòa Campuchia của Lon Nol (1970-1975) và Campuchia dân chủ của Pol Pot (1975-1979) ra tay sát hại hoặc ép buộc hồi hương. Tính đến năm 1975, ước tính là 400,000 người Việt đã rời Campuchia về Việt Nam, còn lại chỉ khoảng 200,000.