Sông Bạch Đằng ngày nay dài hơn 20 km, bắt đầu từ Phà Rừng giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, nơi giao nhau của sông Giá, sông Chanh và sông Đá Bạc, kéo dài đến cửa biển Nam Triệu. Sông Bạch Đằng có đặc điểm đặc trưng do sự chênh lệch của thủy triều gây nên, tạo điều kiện cho một trận địa đánh giặc. Mặt nước có biên độ chênh lệch khi thủy triều dâng lên và hạ xuống là khoảng 4 mét. Nhờ các thuận lợi đó, khi thủy triều lên, nước có khả năng che lấp hết toàn bộ bãi cọc, nhưng khi nước rút, các cọc nhô lên đến 2 mét, ngăn cản thuyền giặc tháo chạy ra biển và quân đội Đại Việt có cơ hội phản công.
Các bãi cọc ngầm được phát hiện ở gần các con sông vùng đông bắc bộ ngày nay được cho là các trận địa bãi cọc cổ từng phục vụ mục đích quân sự trong lịch sử Việt Nam. Các bãi cọc đã biết có niên đại trong khoảng từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15. Các trận đánh và chiến dịch lớn trên sông của người Việt được ghi nhận trong khoảng thời gian này bao gồm Trận chống quân Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Đằng (Đá Bạch) do Ngô Quyền lãnh đạo, Chiến tranh Tống–Việt năm 981 dưới thời nhà Tiền Lê và Trận Bạch Đằng chống quân nhà Nguyên Mông năm 1288 dưới thời nhà Trần.
Các bãi cọc được cho là từng nằm trong lòng những con lạch hoặc nhánh sông của sông Bạch Đằng xưa nhưng ngày nay do sự thay đổi về dòng chảy, bồi đắp tự nhiên và công tác đê điều của người dân địa phương, hầu hết các bãi cọc được tìm thấy trên các cánh đồng ven sông.
Một số tranh cãi đã nổ ra xoay quanh sự hiện diện, vai trò của những bãi cọc này và hiện nay công tác nghiên cứu, khai quật vẫn đang được tiến hành.
Một số tư liệu chưa công bố chính thức của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết các tuổi phân tích C14 của các cọc Cao Quỳ tập trung vào khoảng 2100 – 2400 năm trước, tức là thời văn hóa Đông Sơn.
Dù còn có những tranh luận hai bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng thuộc thời Đông Sơn hay thời Nhà Trần, có chức năng quân sự hay dân sự, nhưng có điều chắc chắn là về mặt địa tầng trầm tích, tuyệt đại đa số các cọc được cắm trên bãi triều cao cổ và nhiều cọc đầu dưới cắt bằng có vẻ là cọc chôn chứ không phải cọc cắm vót nhọn, chỉ có một số rất ít cắm mở rộng ra ven lòng lạch cổ.