Đây là một trong những chiến công vang dội nhất, chói lọi nhất trong sự nghiệp cầm quân bất bại của vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Năm 1787, tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị dẫn hàng chục vạn quân Thanh, theo lời kêu gọi của vua Lê Chiêu Thống – vị hoàng đế cuối cùng triều Hậu Lê, tiến vào miền Bắc nước ta, mượn tiếng phù Lê kì thực nhăm nhe thâu tóm nước ta. Quân Tây Sơn ở miền Bắc do Đại Tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy sau khi đã thua vài trận nhỏ, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) cố thủ chờ lệnh.
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng.
Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình, hợp với quân của Ngô Văn Sở. Chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh (được cho là có đến 29 vạn) bằng hàng loạt trận đánh tập kích, mai phục, thần tốc và chớp nhoáng mà trận Ngọc Hồi – Đống Đa là tiêu biểu. Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long.
Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh, gặp tổn thất nghiêm trọng, dân Lưỡng Quảng vùng biên giới sợ binh Tây Sơn phải bỏ nhà bỏ cửa chạy. Sau trận đánh này, nhà Thanh chấp nhận giảng hòa và phong Nguyễn Huệ làm An Nam Quốc Vương thay thế nhà Hậu, cho thông sứ qua lại.