Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời và là một xã hội đã hình thành theo chế độ nhà nước sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Văn hóa Tràng An: Văn hóa Tràng An là một trong những nền văn hóa cổ nhất ở Việt Nam, hình thành từ thời kỳ đồ đá cũ khoảng 25 Ka BP (Kilo annum before present, ngàn năm trước). Qua phân tích, đối sánh giữa nền văn hóa Tràng An với các văn hóa khảo cổ học đã biết, thì ở Tràng An: Về vị trí địa lý là thung lũng đá vôi đầm lầy chứ không phải đá vôi vùng núi khác; Công cụ lao động không sử dụng đá cuội mà sử dụng bằng đá vôi; Phổ biến sử dụng đồ gốm hoa văn dấu thừng thô chứ không phải là dấu thừng mịn; Khai thác các loài nhuyễn thể có vỏ (như vỏ ốc, trai, hàu) là nước ngọt và biển (đồng thời); Con người cư trú hầu như chỉ ở trong hang động, không ở ngoài trời và các hang động đó được sử dụng đến ngày nay (ban đầu là nơi cư trú, sinh sống sau này được sử dụng làm chùa, nơi sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương); Niên đại kéo dài từ 25 đến 3 Ka BP.
Văn hóa Sơn Vi: Văn hóa Sơn Vi, Vĩnh Phú thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, có niên đại cách đây 14-22 Ka BP, phân bố rất rộng trong các hang động và thềm sông cổ từ Lào Cai đến Nghệ An. Những nhóm cư dân nguyên thủy này sinh sống bằng săn bắt và hái lượm trong một hệ sinh thái miền nhiệt đới – ẩm với một thế giới động vật và thực vật phong phú, đa dạng.
Văn hóa Soi Nhụ: văn hóa Soi Nhụ có niên đại tương đương với văn hóa Hòa Bình cũng như văn hóa Bắc Sơn của Việt Nam, và có thể có nguồn gốc từ 25.000 năm trước, ngang với văn hóa Ngườm khu vực Võ Nhai, Thái Nguyên. Văn hóa Soi Nhụ phân bố trong khu vực các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, bao gồm cả Cát Bà Hải Phòng, các huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ, khu vực Hòn Gai, Yên Hưng, Kinh Môn, Đông Triều thuộc Quảng Ninh và Hải Dương.
Văn hóa Hòa Bình: Những di chỉ khảo cổ phát hiện ở các hang động Hòa Bình rất phong phú và khá dày đặc tạo thành thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình, một địa danh bên dòng sông Đà, là nơi đầu tiên các nhà khảo cổ học khám phá ra một nền văn hóa thuộc cuối thời kỳ đồ đá cũ đến thời kỳ đồ đá mới trên một vùng ảnh hưởng rộng lớn thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Hoa.
Văn hóa Bắc Sơn là tên gọi một nền văn hóa ở Việt Nam vào sơ kỳ thời đại đồ đá mới có niên đại sau nền văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay từ 10 đến 8 Ka BP. Bắc Sơn là đặt theo tên huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nơi phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa này. Các bộ lạc chủ nhân của văn hóa Hòa Bình đã tạo ra nền văn hóa Đông Sơn. Không gian của văn hóa Bắc Sơn là các miền đất thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… ngày nay.
Văn hóa Quỳnh Văn (thời đại đồ đá mới, khoảng 6.000 – 3.500 năm cách ngày nay) được phát hiện từ những năm 1930 bởi các học giả người Pháp. Cho đến nay đã có hơn 70 năm nghiên cứu với 21 di tích, phân bố ở ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh, chủ yếu tập trung xung quanh vịnh biển cổ Quỳnh Lưu.
Văn hóa Cái Bèo có niên đại trước nền văn hóa Hạ Long. Di chỉ Cái Bèo được phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng vịnh Hạ Long ngày nay. Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới … bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú như lợn rừng, nai, dê núi.
Văn hóa Đa Bút thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới, cách đây từ 5.000 đến 6.000 năm. Không gian của văn hóa Đa Bút là dải đất nằm từ hữu ngạn sông Đáy đến lưu vực sông Mã thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay. Tính đến năm 2010, đã có hơn 10 điểm văn hóa Đa Bút được phát hiện và khai quật.
Văn hóa Đồng Đậu: Giai đoạn Đồng Đậu, căn cứ vào Di chỉ khảo cổ Đồng Đậu, Vĩnh Phúc phát hiện năm 1964, có niên đại cách ngày nay là 3070 ± 100 năm (nửa sau thế kỷ 11 trước Tây lịch).
Văn hóa Gò Mun: Giai đoạn Văn hóa Gò Mun, căn cứ vào Di chỉ Gò Mun thuộc Phú Thọ, phát hiện năm 1961, tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ I TCN, có niên đại C-14 là 3045 ± 120 năm cách năm 1950 thuộc Văn hóa Gò Mun. Đặc điểm của giai đoạn này là kỹ thuật luyện kim khá phát triển, công cụ bằng đồng thau chiếm ưu thế (52%).
Văn hóa Đông Sơn là một giai đoạn trong nền Văn minh sông Hồng, kế thừa và phát triển từ Văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun. Văn hóa Đông Sơn có những nét độc đáo riêng đồng thời vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á và nền văn minh lúa nước. Đây cũng là thời kỳ ra đời nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức cộng đồng làng và siêu làng.
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1000 TCN đến cuối thế kỷ thứ 2, tên gọi Sa Huỳnh là một địa danh thuộc huyện Đức Phổ phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Nền Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam.
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á cổ đại.