Giới thiệu: Trần Thủ Độ là nhân vật trụ cột của triều Trần. Ông là công thần sáng lập triều Trần và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng 40 năm. Trần Thủ Độ cũng là nhân vật bị các sử thần thời phong kiến chê trách nhiều. Dưới ngòi bút của họ, Trần Thủ Độ hiện ra như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với nhà Trần mà lại có tội với nhà Lý. Trần Thủ Độ là người bản lĩnh và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, thường quyết đoán theo ý chí của mình. Năm 70 tuổi, trước lúc chết 5 tháng, sử cón chép việc ông đi tuần ở vùng biên giới Lạng Sơn. Ông đề cao tư tưởng pháp trị, định ra luật lệ, quy chế hành chính và gương mẫu thực hiện. Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất...
Trần Thủ Độ (chữ Hán: 陳守度, 1194 – 1264), cũng gọi Trung Vũ đại vương (忠武大王), là một nhà chính trị Đại Việt, sống vào thời cuối triều Lý đầu triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực người Man làm phản loạn và trong cuộc chiến kháng quân Nguyên lần thứ nhất.
Nguồn gốc của Trần Thủ Độ không được các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược, Lịch triều hiến chương loại chí chép rõ. Sử chỉ chép rằng, Trần Lý ở Tức Mặc (Nam Định) sinh ra Trần Tự Khánh, Trần Thừa và con gái Trần Thị Dung. Trần Thủ Độ là em họ của ba người con của Trần Lý. Trần Thừa sinh ra Trần Thái Tông Trần Cảnh, tức Trần Thủ Độ là chú họ của Thái Tông.
Năm 1209, trong nước có loạn Quách Bốc, Lý Cao Tông phải chạy ra khỏi kinh sư, Lý Huệ Tông Lý Hạo Sảm – khi ấy đang là Thái tử phải chạy đến nương nhờ Trần Lý. Họ Trần dẫn quân về triều dẹp loạn, rước vua về kinh sư, nhân đó mà khuynh loát triều đình. Với chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Thủ Độ đã sắp xếp cho con người anh họ của mình lấy Lý Chiêu Hoàng, sau đó Nữ hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Thái Tông (Trần Cảnh), lập ra triều Trần.
Trần Thủ Độ một tay cáng đáng trọng sự, giúp Trần Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Đại Việt bấy giờ được cường thịnh, có thể chống cự với Mông Cổ. Ông được nhiều nhà sử học qua các thời đại thừa nhận và đánh giá cao về tài năng, khả năng chính trị quyết đoán hiệu quả, nhưng cũng vì thế có rất nhiều sự phê bình tiêu cực về nhân phẩm của ông. Nhiều ý kiến cho rằng ông đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức do ông đã bức tử Lý Huệ Tông cũng như cưới Huệ hậu (vợ Lý Huệ Tông) làm phu nhân; ép Trần Thái Tông lấy vợ của anh trai khi đang mang thai 3 tháng và nghi vấn tàn sát tôn tộc nhà Lý.
Nhận xét:
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư:Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông hoàng đế có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết Lý Huệ Tông thì khó lẩn tránh với đời sau vậy. Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.
Theo Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược: Thủ Độ là người gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao trọng sự, giúp Thái công bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông cổ, khỏi phải làm nô-lệ những kẻ hùng-cường