(Arttimes) – Mất gần 8 năm (1938-1945) lăn lộn ở chiến trường Trung Quốc, còn bị tù đày và với các bí danh khác nhau, liệu Thiếu tá Bát Lộ Quân Hồ Quang có phải Chủ tịch Hồ Chí Minh?
I.
Tiết Xuân năm nay thật đẹp! Tuy trong đại dịch, nhưng ấm áp và yên bình. “…Mùa vui nay lại về! Mùa Xuân mơ ước ấy! Đang đến…” như hân hoan chào mừng thắng lợi rực rỡ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và như báo hiệu đại dịch đang phân rã, lụi tàn và tan biến – trước khi toàn thể nhân loại được tiêm chủng văc-xin và phát huy tác dụng cũng như các biện pháp phòng chống dịch khẳng định đại dịch đã tiêu tan. Cho toàn nhân loại lại hối hả lao vào làm ăn, cầy sâu, cuốc bẫm, xuôi ngược, sum vui đoàn tụ. Hy vọng ngày vui ấy sớm trở về trong đầm ấm, yêu thương.
Cách đây 80 năm, Xuân Tân Tỵ 1941 – một mùa xuân đặc biệt, cũng diễn ra trong Đại chiến thế giới thứ hai, mùa xuân mơ ước và hy vọng cho ngày Mở nước, ngày Độc lập 2/9/1945 đã đến với liên tiếp các dấu mốc lịch sử: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước đã trở về Tổ quốc (28/1/1941), mở Hội nghị Trung ương 8, lấy mục tiêu “giải phóng dân tộc và giành độc lập” là mục tiêu số một (5/1941), thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941), thành lập Cứu quốc quân – đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng và nhân dân ta (28/2/1941).
Năm 1937, tại Trung Quốc xảy ra sự kiện Lư Cầu Kiều (va chạm của một binh nhì Đế quốc Nhật với quân đội Trung Hoa Dân Quốc), khơi mào cho chiến tranh Trung Nhật. Trước đó, năm 1910, Nhật đã chiếm bán đảo Triều Tiên và đảo Đài Loan, vùng Mãn Châu và Nội Mông Trung Quốc bị Nhật biến thành Mãn Châu quốc, dựng vua Phổ Nghi làm bù nhìn (1932).
Bác Hồ lúc đó đang công tác tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Liên Xô (trực thuộc Quốc tế cộng sản), Bác đã tiên đoán Chiến tranh Thái Bình Dương sẽ nổ ra, Đông Dương cũng sẽ bị Nhật thôn tính và cơ hội giải phóng dân tộc đã tới. Năm 1938, được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, sự giới thiệu của Đảng Cộng sản Liên Xô với Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá (10/1938), tại ga Iaroxrap Mat-xco-va Bác lên đường về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập.
Trải qua hàng vạn cây số, qua Si-bê-ri tuyết phủ, vùng Trung Á khô cằn, thảo nguyên Mông Cổ bao la, sa mạc Gô-bi cát nóng và bằng các phương tiện từ tầu hỏa, ô tô, lừa ngựa, lạc đà, đi bộ. Cuối cùng, Bác đã đến Lan Châu, gặp được Bát Lộ Quân Trung Quốc, được cấp quân phục, quân hàm thiếu tá và bí danh là Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Lúc này, Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp tác với Quốc dân Đảng chống Nhật. Và Bác đã tới Tây An, Diên An (chiến khu của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Việt Bắc của ta), vừa tham gia giúp Bát Lộ Quân kháng chiến chống phát xít Nhật giải phóng Trung Quốc, vừa tìm hiểu cách đánh du kích chống Nhật, giảng dậy, huấn luyện chính trị, nghe ra-đi-ô để cung cấp tin tức về cuộc chiến tranh Trung – Nhật cho Bát Lộ Quân và du kích, cũng qua điện đài của Bát Lộ Quân, Bác nắm tình hình, viết bài phân tích sự thất bại tất yếu của phát xít Nhật, vừa tìm đường về nước.
Sau khi đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, Xtalin và Truman đều muốn lấy sông Dương Tử làm phần đệm, phía Bắc giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, phía Nam giao cho Tưởng Giới Thạch kiểm soát. Nhưng vì chế độ Tưởng Giới Thạch bị bọn địa chủ và tham nhũng chi phối, không được lòng nhân dân Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ đã bỏ rơi chính quyền Tưởng Giới Thạch. Bởi vậy, Mao Trạch Đông và Bát Lộ Quân Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh với Tưởng. Vào mùa xuân 1949, Bát Lộ Quân và nhân dân Trung Quốc đã chiếm được phấn lớn lãnh thổ phía Bắc, tuy nhiên, do lực lượng còn yếu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đồng chí Trang Điền sang Việt Bắc gặp Bác Hồ và đề nghị Bác giúp đỡ Bộ Tư lệnh quân khu Việt Quế để giải phóng Hoa Nam Trung Quốc (Long Châu, Khâm Châu, Ung Châu). Tháng 6/1949, Bộ Tổng tham mưu đã cử hai binh đoàn tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giải phóng được vùng lãnh thổ rộng lớn cho Trung Quốc (Chi tiết chiến dịch trong phim tài liệu Phá vây phát sóng trên VTV). Hiện nay, tại Thủy Khẩu – Long Châu và Đông Hưng đã xây dựng hai đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ Trung – Việt hi sinh trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Vì nghĩa tình ấy mà sau đó, vào năm 1950, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã giúp Việt Nam mở chiến dịch biên giới để kết nối căn cứ địa Việt Bắc với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác. Phá được vòng vây của thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch. Tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN anh em để tiến hành kháng chiến chống Pháp thắng lợi để đạt được trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu… Năm 1949, khi rút khỏi Việt Nam, Tưởng Giới Thạch đã chiếm đảo Bạch Long Vĩ thuộc về chính quyền Bảo Đại khi đó. Năm 1955, quân giải phóng Trung Quốc đã chiếm lại đảo Bạch Long Vĩ từ quân Tưởng Giới Thạch và giao lại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng)..
Lại nói đến sự đóng góp của các khẩu pháo Trung Quốc cho hai trận Điện Biên Phủ. Năm 1954, với những khẩu pháo 105 của Mỹ trang bị cho quân Tưởng Giới Thạch, đã được Trung Quốc thu lại và chi viện cho Việt Nam. Những khẩu pháo này đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn năm 1972, những khẩu pháo cao xạ với radar K8-60 là loại radar pháo 57mm do Trung Quốc chế tạo, nó có hai tần số làm việc (10cm và 3cm). Khi tiến hành chiến tranh rải thảm bằng B52, Mỹ coi pháo 57mm và khí tài radar K8-60 là loại vũ khí cổ lỗ sĩ không thể phát hiện và bắn tới tầm cao của B52. Các trinh sát điện tử và Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân Việt Nam đã ghép radar K8-60 là loại “cổ lỗ sĩ” với pháo 100 và tên lửa SAM 2 thành công, sử dụng sóng 3cm để vén nhiễu diệt thù, hạ gục pháo đài bay B52 bằng trận Điện Biên Phủ trên không, dẫn đến thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973: Toàn bộ quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và quân giải phóng ở lại miền Nam Việt Nam – đó là mấu chốt của Hiệp định Paris mà Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn dặn Cố vấn Lê Đức Thọ trước khi lên đường đi Paris đàm phán. Dẫn đến kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon sụp đổ và dẫn đến thắng lợi của ngày 30/4/1975 lịch sử, giang sơn được thống nhất.
Lại nói về Bác, sau Hội nghị TW lần thứ 8, Bác sang Trung Quốc tìm sự ủng hộ từ bên ngoài cho cách mạng Việt Nam (1942) và cũng từ đây Người đổi tên là Hồ Chí Minh nhưng không may, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, đày ải qua ba nhà tù. Nhờ sự can thiệp của quốc tế, năm 1944, Bác được trả lại tự do. Lúc này, tướng Trương Phát Khuê đang là tư lệnh đệ tứ chiến khu (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam). Trương Phát Khuê có một thói quen bất kể mùa đông hay mùa hè, sáng sớm hay cưỡi ngựa dạo chơi. Bất ngờ vào mùa đông 1944, Trương Phát Khuê ăn mặc quần áo mùa đông, nhìn thấy một ông già tắm nước lạnh ở ven hồ, Trương Phát Khuê cảm phục và xuống ngựa nói chuyện, biết Bác là Hồ tiên sinh, là nhà cách mạng Việt Nam, Trương rất cảm phục, mời Bác về nhà riêng ở và mời Bác tham gia tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (đóng ở Liễu Châu – Trung Quốc). Tận dụng cơ hội này, Bác trở về Cao Bằng (đây là lần thứ hai Bác về nước), Bác đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập thêm một đơn vị vũ trang và Bác thêm vào hai chữ “tuyên truyền” thành Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1945). Nhân có viên phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi ở Cao Bằng, Bác đã đưa về Trung Quốc và đặt quan hệ với Mỹ.
Lúc này, theo phân công của Đồng minh, từ vĩ tuyến 16 do Bộ chỉ huy Mỹ – Tưởng đảm nhiệm. Trương Phát Khuê khi biết Nhật sắp thất bại đã lập ta Hoa quân Nhập Việt tức là rải rác vũ khí quân Nhật nhưng mục đích biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trương Phát Khuê đã cử tình báo thăm dò miền Bắc Việt Nam và nhận thấy Việt Minh đã kiểm soát 80% lãnh thổ, bèn mượn danh Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội mời Việt Minh sang Liễu Châu – Trung Quốc để cùng hợp tác chống Nhật. Thường vụ Trung ương nhận biết được dã tâm của Trương Phát Khuê đã cử một phái đoàn của Việt Minh, đoàn do cụ Hạ Bá Cang dẫn đầu và các cụ Đặng Việt Châu, Trương Đức Hiền… Tất cả các thành viên trong đoàn đều được thay tên đổi dạng, cụ Hạ Bá Cang đổi là Hoàng Quốc Việt – tư sản; cụ Dương Đức Hiền – đại biểu dân chủ; cụ Hồng – đại biểu nông dân… Có điều thú vị là đoàn đã vượt qua dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (mà sau đó bốn năm sau có chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn). Khi đến được Bát Sắt, mật vụ Tưởng Giới Thạch đã thẩm vấn rà soát một cách kỹ lưỡng không phải là cộng sản, Trương Phát Khuê mở tiệc chiêu đãi và Việt Minh đã đồng ý hợp tác với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng về nước chuẩn bị đón đoàn Trung Hoa Dân quốc sang tiếp quản. Lúc này, Thường vụ TW và Bác đều mất liên lạc, ngẫu nhiên, tại trụ sở Việt Cách, đoàn Việt Minh được gặp Bác nhưng Bác vẫy tay đuổi ruồi, thực chất là giữ bí mật. Sau đó, Bác kín đáo đến thăm đoàn nhưng Bác đứng trong bóng tối. Cụ Việt được gặp Bác sau bốn năm xa cách và mất tin tức, cụ đã báo cáo tình hình trong nước cho Bác và việc chấp thuận hợp tác với Trương Phát Khuê, Việt Cách, Việt Quốc. Bác đã phê chuẩn: “Các chú ậm ừ như thế là được rồi, mau chóng về nước”. Ta hình dung sau lưng Bác là Liên Xô vĩ đại, Bác hòa mình với quân và dân Trung Quốc và Bác đã bắt tay được với Đồng minh (Mỹ, Tưởng). Bác đã mang sức mạnh và thời cơ của thời đại kết hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân làm nên cuộc cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/9/1945, khi quân Tưởng đặt chân đến Hà Nội thì “nhà đã có chủ”, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, phải mất gần 8 năm (1938-1945) lăn lộn ở chiến trường Trung Quốc, còn bị tù đày và với các bí danh khác nhau từ thiếu tá Bát Lộ Quân Trung Quốc, phóng viên nước ngoài, đồng chí Vương đại diện quốc tế cộng sản…
II.
Cho tới năm 1940, Bác mới về tới Côn Minh và Quảng Tây, Bác dự báo Đồng minh sẽ thắng, Nhật Pháp sẽ đánh nhau và Việt Nam sẽ Độc lập. Bác đã tìm cách về nước qua tuyến đường sắt Hà Nội – Côn Minh, nhưng phải đến tháng 1/1941, khi cụ Hoàng Văn Thụ (ủy viên thường vụ Đảng cộng sản Đông Dương) gặp Bác ở Tĩnh Tây để báo cáo tình hình trong nước và mời đại biểu Quốc tế Cộng sản dự Hội nghị Trung ương 8, thì Bác mới chọn về nước theo hướng Cao Bằng, nhưng địa điểm họp lại tổ chức tại một cơ sở bên Tĩnh Tây – Trung Quốc. Và ngày 28/1/1941, tính từ lúc rời Mat-xcơ-va, phải mất hơn hai năm Bác mới đặt chân về nước.
Sau khi cụ Hoàng Văn Thụ được gặp Bác, cụ Trường Chinh, cụ Hoàng Văn Thụ, cụ Hoàng Quốc Việt, cụ Trần Đăng Ninh và các cụ đại biểu Xứ ủy tập hợp ở Thái Nguyên, lúc đi xe, lúc đi ngựa, đi bộ xuyên rừng rậm, tránh mật thám bắt, luồn sau các chốt canh gác dầy đặc, giả danh là dân đi buôn thuốc phiện, đi mảng dọc sông Kỳ Cùng sang Trung Quốc để họp Hội nghị Trung ương 8 với sự chủ trì của Quốc tế Cộng sản. Trên đường đi họp Hội nghị Trung ương 8, khi qua Châu Bắc Sơn, cụ Hoàng Văn Thụ (ủy viên thường vụ Trung ương, từng học tiểu học Pháp Việt ở Lạng Sơn, học trường Võ bị Hoàng Phố – Quảng Châu) được Trung ương cử ra công nhận và giao nhiệm vụ cho Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Được hình thành từ Đội du kích Bắc Sơn (Đội du kích Bắc Sơn năm 1940 đã cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, giành chính quyền tại Châu Bắc Sơn – mở đầu cho khởi nghĩa vũ trang trong cả nước). Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất (Cứu Quốc quân 1) do cụ Lương Văn Chi làm Trung đội trưởng là Đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng và nhân dân ta. Khi đoàn đến Hạ Đống – Tĩnh Tây – Trung Quốc, các đồng chí Trung Quốc thông báo Bác đã về Việt Nam và để lại một bức thư. Theo thư, đoàn đã gặp Bác tại Pắc Bó. Sau đó, ngày 15/9/1941 thành lập Cứu quốc quân 2, ngày 25/2/1944 thành lập Cứu quốc quân 3, phạm vi hoạt động giăng khắp Việt Bắc. Tháng 5/1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ đã quyết định sát nhập Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 15/5/1945 tại Thái Nguyên, tuyên bố thành lập Việt Nam Giải phóng quân trong cả nước để tiến hành vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quá trình hình thành Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay được khởi đầu từ các đơn vị vũ trang tiền thân của quân đội: Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944), Du kích Cứu quốc quân Ba Tơ (15/3/1945) và từ các đơn vị tự vệ chiến đấu, dân quân du kích và hàng triệu đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Quân đội ta được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc chở che, được sự ủng hộ không có giới hạn của nhân dân, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo và với sự dũng cảm, tài trí đã lập lên những chiến công lừng lẫy chấn động địa cầu với hai trận Điện Biên Phủ huyền thoại. Đánh bại hai đế quốc to, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo, vùng biển, vùng trời và cuộc sống yên lành cho người dân Việt Nam, góp phần cho hoà bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hồi ký cách mạng Nhân dân ta rất anh hùng – NXB Văn học, 1960, trang 115 có đoạn: “Có thể nói rằng: Có nhân dân, có Đảng, có Bác Hồ thì mới có quân đội nhân dân ngày nay. Quân đội ta là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Bác Hồ không những là người cha của lực lượng vũ trang Việt Nam mà còn là bậc thầy của công tác ngoại giao – quan hệ quốc tế. Bác là người khởi nguồn, xây nền đắp móng cho công tác ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nguyên tắc “Độc lập hoàn toàn, Hợp tác toàn diện… Thân thiện với tất cả các nước trên thế giới”. (Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Truman, ngày 16/2/1946). Riêng Trung Hoa và Mỹ, ta (Việt Nam) có một cảm tình đặc biệt. Trung Hoa là nước gần gũi nhất với ta về địa thế, văn hóa, sinh hoạt… còn Mỹ là nước dân chủ không có tham vọng về đất đai mà có công đánh phát xít Nhật… nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt. (Diễn văn của ông Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 2/9/1945).
III.
Năm nay 2021, vừa tròn 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt -Trung, Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử cận đại cũng như hôm nay có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên cũng còn một số bất đồng (cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc phát động xâm chiếm Việt Nam vẫn còn là chương buồn trong lịch sử quan hệ Việt – Trung là thất bại lớn về quân sự, là sai lầm về MỤC TIÊU CHIẾN DỊCH: “Kiểm tra việc Liên Xô có tấn công Trung Quốc hay không?”). Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “… Quá khứ (lịch sử) không bao giờ thay đổi, nhưng tương lai tùy thuộc vào chúng ta (những người đang sống)”. Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng nói; “…Chúng ta cương quyết gác lại quá khứ, kiến tạo tương lai…” Việt Nam và Trung Quốc đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ và mất mát, cùng chịu sự đè nén của chế độ phong kiến ngàn năm và đế quốc thực dân, và cùng vươn đến mục tiêu mang lại hạnh phúc cho người dân. Trung Quốc – xây dựng xã hội khá giả toàn diện, Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trung Quốc với ba lần cải cách hai lần thử nghiệm (đại nhảy vọt, cách mạng văn hóa). Từ nhận thức hai phe, ba thế giới của Mao Trạch Đông đến nhận thức Đông Tây Nam Bắc (mâu thuẫn Đông – Tây: về an ninh, mâu thuẫn Nam – Bắc: là mâu thuẫn về sự phát triển, Trung Quốc đứng ở giữa), “Mèo Trắng Mèo Đen mèo nào cũng bắt được chuột” của Đặng Tiều Bình, từ năm 1976 đã tiến hành cải cách mở cửa với mô hình một đảng và kinh tế thị trường. Điều đó đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, đến tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ cũng từng tuyên bố: Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng gườm nhất của Mỹ trong thế kỷ 21, từ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ… Hoa Kỳ vừa hợp tác vừa chấp nhận cả thách thức nhưng sẽ không để xảy ra xung đột. Trung Quốc và Việt Nam trong cơn đại dịch của thế giới đã không những ngăn chặn được đại dịch mà còn phát triển kinh tế dương.
Mối tình hữu nghị Việt – Trung đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ bởi các thế hệ lãnh đạo tiền bối và lão thành, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc sau này và của nhân dân hai nước là một di sản vô cùng quý báu cho Việt Nam và Trung Quốc. Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng nói: “Chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã giác ngộ, dẫn dắt và tổ chức tôi vào con đường hoạt động cách mạng tại Paris Pháp năm 1922”. Năm 1969 trước khi Bác mất Thủ tướng Chu Ân Lai đã cử bác sĩ chăm sóc sức khỏe, hát cho Bác nghe bài hát Trung Quốc và khi Bác mất, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đích thân sang viếng. Với phương châm 16 CHỮ VÀNG: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Hướng đến tương lai”; 4 TỐT “Láng giềng TỐT, bạn bè TỐT, đồng chí TỐT, đối tác TỐT”. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh và với lời căn dặn của Bác về tình cảm:
“Mối tình thắm thiết Việt Hoa
Vừa là đồng chí vừa là anh em”
Về đạo lý:
“Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình
Tinh thần hữu nghị vinh quang muôn đời”
Để cho nhân dân hai nước Việt – Trung được thụ hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong hòa bình và độc lập tự do.
Để nhớ ơn, biết ơn Trung đội Cứu quốc quân 1 – Cứu quốc quân Bắc Sơn và cụ Hoàng Văn Thụ, nhân dân Hà Nội đã đặt tên đường Bắc Sơn và đường Hoàng Văn Thụ, cùng với đường Hùng Vương, đường Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Thiếu tá Bát Lộ Quân Hồ Quang là bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc (1938-1941) theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử – NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016)
Tác giả: Hạ Chí Nhân – Nguyễn Xuân Thu
Nguồn: www.arttimes.vn