Chiến dịch đánh Tống 1075-1076 là tên gọi chiến dịch do tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt phát động nhằm tấn công quân Tống ở 3 châu dọc theo biên giới Tống – Việt năm 1075-1076.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Để củng cố khu vực biên giới phía bắc, nhà Lý dùng chính sách gả công chúa cho các thủ lĩnh miền núi để gắn chặt mối quan hệ với họ. Trải qua 3 triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, nước Đại Việt phát triển ổn định, khá vững mạnh.
Ở phương Bắc, từ năm 1070, nhà Tống đã chú ý đến phương Nam. Năm 1073, vua Tống Thần Tông phái Thẩm Khởi làm Quảng Tây Kinh lược sứ lo việc xuất quân. Thẩm Khởi đặt các doanh trại, sửa đường tiếp tế, phủ dụ 52 động thuộc Ung Châu sung công các thuyền chở muối để tập thủy chiến.
Đặc biệt, nhà Tống đã biến Ung Châu thành một căn cứ xuất phát để đánh Đại Việt và giao cho Tô Giám, một viên tướng dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Nùng Trí Cao trước đây chỉ huy căn cứ này.
Tuy Tống cố gắng giữ bí mật, nhưng tình báo của Đại Việt vẫn nắm được ý đồ của quân Tống. Đặc biệt, năm 1073, một tiến sĩ nhà Tống là Từ Bá Tường vì không được trọng dụng nên đã thông báo với nhà Lý. Bởi thế Đại Việt đã nắm được khá đầy đủ tình hình chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống.
Trước tình hình đó, Thái úy Đại Việt là Lý Thường Kiệt chủ trương thực hiện một chiến lược đánh đòn phủ đầu, Tiên phát chế nhân, ông quyết định mở trận tiến công quy mô sang đất Tống. Đại Việt đã huy động 10 vạn quân sang đánh phá căn cứ châu Ung của Tống, bao gồm cả lực lượng chính quy của triều đình lẫn quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Kết quả là Đại Việt đã giành thắng lợi và rút về nước…