Năm Tân Mão niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần thứ 6, tức năm 1771, Nguyễn Nhạc được các người cùng hợp tác và các nhân sĩ đồng bào địa phương tôn làm Tây Sơn Vương. Lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát.
Đầu tháng 4 năm 1773, quân Tây Sơn đã kéo nhau từng toán xuống các chợ ngay lúc ban ngày, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, đe dọa đốt nhà cửa để bắt người tuân theo. Họ họp từng nhóm khoảng 300 người, riêng vùng Đồng Hươu, Đồng Hào có đến 600 người và họ quấy nhiễu suốt ở Phú Yên, Quy Nhơn. Tổ chức của họ cứ theo thắng lợi mà trở thành lớn lao, có quy củ hơn. Lúc đầu họ võ trang giáo mác, cung tên và cả súng tay nữa. Họ đi bộ, nhưng sau đó, khoảng tháng 8, họ đi ngựa, cáng và võng. Để bày tỏ vị trí phương nam và tính cách bạo động của quân khởi nghĩa, họ mang mỗi đội một lá cờ đỏ dài độ 1 mét.
Lòng dân địa phương cứ thế quy phục Tây Sơn, thanh thế mỗi ngày một lớn, quân Tây Sơn phát triển nhanh nhờ có được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng quanh vùng. Quân ngũ Tây Sơn khi dựng nghiệp có khoảng 150.000 người được chia thành 12 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị là người dân tộc thiểu số. Đây là đội quân tiên phong, dũng mãnh dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ. Kỵ binh có hơn 2.000 chiến mã, tượng binh có hơn 100 thớt voi. Quân Tây Sơn nổi tiếng là đạo quân thiện chiến nhất thời bấy giờ, với khả năng hành quân thần tốc và chiến thắng chớp nhoáng.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự lập ra triều Tây Sơn, lên làm vua, lấy niên hiệu là Thái Đức. Tuy nhiên, sau đó do không thể kìm chế người em Nguyễn Huệ tài ba hơn mình, quyền lãnh đạo Tây Sơn cơ bản đã về tay Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy đế hiệu là Quang Trung để danh chính ngôn thuận đem quân ra bắc đánh bại 29 vạn quân Thanh (Trung Quốc). Sau đó ông lại đánh bại quân Xiêm và lực lượng của chúa Nguyễn Ánh, thống nhất cả nước dưới triều đại Tây Sơn.
Dưới thời vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), nước Đại Việt đã có một giai đoạn ngắn yên bình và phát triển. Tuy nhiên, sau cái chết đột ngột của ông vào năm 1792, triều Tây Sơn không có người thừa kế xứng tầm và mau chóng bị chúa Nguyễn Ánh từ phương Nam tiêu diệt.