Huỳnh Thúc Kháng (1 tháng 10 năm 1876 - 21 tháng 4 năm 1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (hay đôi khi được viết là Minh Viên), là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam, đồng thời là một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh.
Năm 1900 ông đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Năm Giáp Thìn 1904 ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 11 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.
Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, ông từ chức.
Năm 1927 ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân, được xuất bản tại Huế, và bị chính quyền thời bấy giờ đình bản năm 1943.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Việt Minh mời ông ra tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì trong thời gian này, khi được hỏi về công việc, Huỳnh Thúc Kháng đã nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi". (theo hồi ký Một cơn gió bụi)
Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi.
Chưa có
Chưa có