Tư Mã Thiên (sinh khoảng năm 145 TCN hoặc 135 TCN – mất khoảng năm 86 TCN), biểu tự Tử Trường (子長), là một nhà sử học Trung Quốc sống vào đầu thời nhà Hán (206 TCN – 220). Ông được coi là cha đẻ của ngành sử học Trung Quốc với bộ Sử ký, một bộ thông sử Trung Quốc viết theo phong cách Thể kỷ truyện. Sử ký viết về hơn hai nghìn năm lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ sự trỗi dậy của Hoàng Đế huyền thoại và sự hình thành chính thể đầu tiên ở Trung Quốc cho đến thời của Tư Mã Thiên, thời Hán Vũ Đế trị vì. Không chỉ là bộ thông sử đầu tiên được biết đến ở Trung Quốc cổ đại, Sử ký còn đóng vai trò như một khuôn mẫu cho việc ghi chép chính sử của các triều đại Trung Quốc tiếp theo và trên toàn vùng văn hóa chữ Hán (gồm cả các quốc gia Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản) mãi đến tận thế kỉ 20.
Người đầu tiên khởi xướng công trình viết lại hoàn chỉnh toàn bộ lịch sử Trung Quốc là Tư Mã Đàm (司馬談), cha của Tư Mã Thiên; nhưng ông chỉ kịp hoàn thành bản phác thảo sơ khai trước khi qua đời. Sau khi thừa kế của vị trí của cha trong triều đình, Tư Mã Thiên đã quyết định thực hiện di nguyện của cha mình là hoàn thành và cho ra đời bộ tác phẩm lịch sử hoành tráng này. Tuy nhiên, vào năm 99 TCN, ông trở thành nạn nhân trong vụ án Lý Lăng khi đứng ra bênh vực cho vị tướng này dù cho triều đình nhà Hán nhận định Lý Lăng là nguyên nhân dẫn đến thất bại trước Hung Nô. Khi buộc phải chọn lựa một trong hai hình phạt tử hình hoặc bị hoạn, ông chấp nhận bị hoạn để có thể hoàn thành nốt tác phẩm lịch sử của mình. Dù chủ yếu được mọi người nhớ đến nhờ bộ Sử ký, những tác phẩm còn sót lại cho thấy Tư Mã Thiên cũng là một nhà thơ và nhà văn tài năng. Bên cạnh đó, ông còn có công trong việc xây dựng Lịch Thái Sơ, một bộ nông lịch chính thức được ban hành vào năm 104 TCN.
Chưa có
Chưa có