Lê Văn Hòe, bút danh Vân Hạc, sinh ngày 1-11-1911 tại làng Mụ ven sông Đáy, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, sau là Hà Tây, nay là Hà Nội trong một gia đình Nho học. Mới 6 tuổi, ông đã được các cụ thân sinh cho học chữ Hán, lên 9 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp. Thông minh, học giỏi, ông được vào học Trường Bưởi danh tiếng lúc bấy giờ, nhưng sau cuộc bãi khóa để tang chí sỹ Phan Chu Trinh năm 1926, ông đã phải thôi học, lăn vào đời kiếm sống bằng nghề viết văn, làm báo. Từ đó trở đi, vốn kiến thức ông có được chủ yếu do không ngừng tự học.
Có thể nói Lê Văn Hòe là một trong số rất ít tác gia Việt Nam có sách in rất sớm. Năm 1927, lúc mới 16 tuổi, ông đã cho in cuốn sách giáo khoa “Khai tâm luân lý”, năm 1930, khi 19 tuổi, ông viết cuốn truyện văn học đầu tiên “Bể lòng”, năm 1931, ông in tập “Mảnh hồn thơ” thuộc dòng văn học lãng mạn... Từ năm 1941, ông mở Nhà xuất bản Quốc học thư xã, vừa làm giám đốc vừa viết sách nghiên cứu văn học và lịch sử, bắt đầu thời kỳ sáng tác quan trọng nhất trong cuộc đời. Quốc học thư xã là nhà xuất bản có uy tín thời kỳ này, đã từng in ấn, xuất bản nhiều tác phẩm của các tác gia tên tuổi đương thời như Phạm Quỳnh, Vũ Bằng, Thành Thế Vỹ...
Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh, năm 1945, Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ Quốc gia xuất bản hằng ngày do Trần Huy Liệu làm Chủ nhiệm. Quốc gia là tờ báo cách mạng, công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, hô hào đánh đổ thực dân, phong kiến. Từ năm 1954 đến 1964, ông dạy văn học và lịch sử ở Trường Alberrt Saraut, sau về dạy ở Trường Tam Hiệp, Thanh Trì và qua đời ngày 13-12-1968 tại nhà riêng ở 74 Tô Hiến Thành, Hà Nội. Tuy chỉ dạy học hơn 10 năm, song ông đã để lại trong nhiều thế hệ học trò những ấn tượng sâu sắc và niềm vui thích đặc biệt khi được nghe ông giảng về nghệ thuật chữ nghĩa trong những tác phẩm văn học kinh điển của nước nhà, đặc biệt là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
Từ năm 1927 đến 1954, Lê Văn Hòe đã có hơn 30 tác phẩm được xuất bản, trong đó có 5 tác phẩm thuộc loại sáng tác, 7 tác phẩm nghiên cứu, phê bình, 15 tác phẩm thuộc loại tài liệu bách khoa đại từ điển, 2 tác phẩm dịch thuật và 9 tác phẩm sách giáo khoa, gồm hàng chục nghìn trang in. Trong số đó, có thể nói Truyện Kiều chú giải là tác phẩm đồ sộ nhất, bộc lộ vốn tri thức uyên thâm Đông Tây, kim cổ và tài năng, học thuật của ông. Nhiều nhà nghiên cứu và học giả tên tuổi nhận xét, tác giả đã rất tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng và tinh vi trong bình luận, nghiêm túc, khách quan trong hiệu đính mà vẫn bày tỏ được rõ ràng chính kiến cá nhân, đồng thuận với nhận thức và suy nghĩ của đại đa số độc giả. Truyện Kiều chú giải do Quốc học thư xã ấn hành năm 1952, dày 724 trang, ngay khi ra đời đã được dư luận học thuật cả nước xôn xao đón nhận. Báo chí trong Nam ngoài Bắc liên tục đưa tin về tác phẩm này
Chưa có
Chưa có